Những năm qua, hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Chất lượng, hiệu quả các vụ việc TGPL được cải thiện, góp phần bảo đảm tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp.
Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý tiếp công dân tại trụ sở. |
Trợ giúp đa lĩnh vực
8 giờ sáng một ngày đầu tháng 9, bà N.T.T. (trú xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) có mặt tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh (31 Tú Mỡ, phường Phước Hiệp, TP.Bà Rịa) để nhờ tư vấn, trợ giúp pháp lý. Bà N.T.T. có nhu cầu vay vốn để sản xuất nhưng chưa biết các thủ tục, nên tìm đến trung tâm nhờ trợ giúp. Sau khi được các trợ giúp viên pháp lý hướng dẫn các thủ tục cần thiết, bà T. đã nộp được hồ sơ để nhận khoản vay hỗ trợ cho việc sản xuất kinh doanh.
Tương tự, ông V.N.H. (trú TP.Bà Rịa) đến Trung tâm để nhờ trợ giúp về việc, thừa kế tài sản của cha mẹ. Nhà có 3 anh chị em, khi cha mẹ mất không để lại di chúc nên ông H. đến nhờ tư vấn để chia tài sản công bằng cho mọi người trong nhà. Sau khi được các trợ giúp viên pháp lý hướng dẫn thủ tục, giấy tờ cần thiết để nộp cho tòa án, ông và các thành viên trong gia đình đã đồng thuận trong việc chia tài sản.
Có thể nói, nhiều năm qua, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh được thực hiện hiệu quả, bảo đảm quyền tiếp cận pháp luật đối với người yếu thế trong xã hội.
Với việc đổi mới công tác TGPL, số vụ việc tham gia tố tụng do các trợ giúp viên pháp lý thực hiện đã tăng lên đáng kể. Mỗi năm trung tâm trợ giúp từ 350-400 vụ việc. Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã thực hiện trợ giúp 202 vụ việc theo yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý liên quan đến hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính và một số lĩnh vực khác. Tuy các vụ việc tăng, nhưng chất lượng vụ việc được TGPL ngày càng được nâng lên.
Chỗ dựa tin cậy
Ngoài tư vấn, trợ giúp pháp lý các vụ việc dân sự, Trung tâm TGPL tỉnh còn tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng... trong các vụ án hình sự. Trong nhiều vụ án, bị cáo không biết chữ, chưa tới tuổi vị thành niên, thiếu hiểu biết về pháp luật, nên bị đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo dẫn đến vi phạm pháp luật. Trợ giúp viên pháp lý phải giải thích quy định của pháp luật cho các bị can, bị cáo và tìm hướng bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho họ. Bên cạnh đó, trợ giúp viên pháp lý còn động viên, đồng cảm, chia sẻ với người được TGPL để họ vượt qua mặc cảm, tự ti.
Đơn cử, như vụ em N.N.B. (SN 2006, trú TP.Vũng Tàu) là bị cáo trong vụ án mua bán trái phép chất ma túy được TAND TP.Vũng Tàu đưa ra xét xử trong tháng 3/2024. B. bị Viện KSND TP.Vũng Tàu đề nghị mức án từ 2-3 năm tù. Trong quá trình xét xử, trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền lợi cho bị cáo đề nghị hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho B. như: chưa thành niên, học vấn, nhận thức pháp luật hạn chế và bị dụ dỗ lôi kéo vào vụ án... Sau khi xem xét tình tiết giảm nhẹ, TAND TP.Vũng Tàu đã tuyên phạt B. 20 tháng tù.
Bà Lê Thị Thúy, Giám đốc Trung tâm TGPL tỉnh cho biết, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định, đối tượng được TGPL, gồm: người có công với cách mạng, hộ nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật…
“Trợ giúp pháp lý miễn phí là chính sách nhân đạo của Nhà nước, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng được hưởng. Do đó, để đưa chính sách này đến gần người dân, thời gian tới, trung tâm phối hợp với các cấp, ngành tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu và tìm đến khi cần”, bà Thúy nhấn mạnh.
Bài, ảnh: MẠNH VŨ-BẢO KHÁNH