Hiểu đúng về vạch kẻ đường mắt võng
Khi lưu thông qua ngã ba, ngã tư một số trục đường trên địa bàn tỉnh, người dân thấy nhiều vạch kẻ đường mắt võng màu vàng. Vậy vạch kẻ đường này có ý nghĩa gì và đi như nào cho đúng để bảo đảm ATGT?
Nhiều người dân dừng đỗ tại vạch kẻ đường mắt võng. |
Vạch kẻ đường mắt võng là gì?
Bà Lê Thị Thủy (trú tại phường 10, TP.Vũng Tàu) chia sẻ, thường ngày bà hay đi làm qua đoạn đường có vạch kẻ mắt võng màu vàng, mới được kẻ gần đây không lâu, nhưng chưa hiểu hết về chức năng cũng như chỉ dẫn của loại vạch kẻ đường này. “Nhiều hôm đi tới ngã tư, gặp đèn đỏ tôi dừng ở vạch này thì người đi sau nhắc không được dừng ở đây”, bà Thủy chia sẻ.
Tương tự, ông Lê Thành Trung (trú phường 7, TP.Vũng Tàu) thắc mắc: "Tôi hay chạy xe qua những đoạn đường có vạch kẻ đường mắt võng. Khi đèn đỏ, có người thì dừng lại, nhưng có người vẫn đi tiếp rẽ phải, tôi không biết đi thế nào cho đúng?”.
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, đại diện Đội CSGT-TT Công an TP.Vũng Tàu cho biết, theo quy định, vạch kẻ đường kiểu mắt võng được sử dụng để báo cho người điều khiển phương tiện biết không được dừng đỗ trong phạm vi phần mặt đường này nhằm tránh ùn tắc giao thông.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt cho vi phạm không tuân thủ hiệu lệnh, chỉ dẫn của vạch kẻ đường của người điều khiển phương tiện giao thông như sau: đối với ô tô, phạt tiền từ 200-400 ngàn đồng, đối với xe máy, phạt tiền từ 100-200 ngàn đồng. Nếu gây tai nạn giao thông còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.
(Luật sư Nguyễn Đình Tân, Đoàn Luật sư tỉnh)
|
Vạch mắt võng có 2 loại. Cụ thể, vạch mắt võng kiểu đơn giản gồm: vạch chéo trong lòng hình chữ nhật, màu vàng, bề rộng nét vẽ 20-40cm. Vạch mắt võng kiểu thông thường: vạch có nét vẽ màu vàng, vạch vành ngoài giới hạn phạm vi kẻ vạch mắt võng có bề rộng vạch 20cm. Vạch mắt võng bên trong nghiêng 45° so với vành ngoài, vạch rộng 10 cm khoảng cách đường chéo 1-5m.
Đi sao cho đúng?
Luật gia Vũ Huy Đĩnh, Chủ tịch Hội Luật gia TP.Vũng Tàu cho biết, khi thấy vạch kẻ mắt võng, người điều khiển phương tiện giao thông không được dừng lại trong vạch này.
Việc đi qua vạch mắt võng được chia thành những trường hợp sau: trường hợp vạch mắt võng không cùng chiều mũi tên chỉ hướng, nếu đèn tín hiệu màu xanh, lái xe đi thẳng qua vạch mắt võng thì không vi phạm luật. Nếu gặp đèn đỏ mà lái xe dừng tại vạch mắt võng thì được xem là vi phạm lỗi không tuân thủ hiệu lệnh vạch kẻ đường.
Với trường hợp vạch kẻ đường mắt võng có mũi tên xác định hướng phải đi, phương tiện đi theo hướng phải đi của mũi tên được phép đi qua; những người đi qua vạch nhưng không đi theo hướng mũi tên vẫn sai luật.
Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT, vạch mắt võng là vạch kẻ đường được sử dụng để báo cho người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông. |
Như vậy, để lưu thông đúng, người tham gia giao thông cần nhận biết được loại vạch mắt võng đó (có hay không có mũi tên) và hướng di chuyển được chỉ dẫn (nếu có) để điều chỉnh hướng đi phù hợp. Đối với vạch mắt võng không có mũi tên, người tham gia giao thông không được dừng hoặc đỗ xe tại khu vực đó, trừ khi có biển báo hoặc đèn tín hiệu cho phép. "Trường hợp vạch mắt võng có mũi tên, người dân phải di chuyển theo hướng được chỉ dẫn bởi mũi tên trên vạch", Luật gia Vũ Huy Đĩnh nói.
Bài, ảnh: MẠNH VŨ