.

Đấu tranh với tội phạm công nghệ cao

Cập nhật: 18:21, 01/08/2024 (GMT+7)

Hiện nay, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Do đó, bên cạnh công tác đấu tranh của lực lượng công an đối với loại tội phạm này thì người dân cần nâng cao hiểu biết, cảnh giác để không bị lừa đảo. 

Hai đối tượng sử dụng mạng internet để cá độ bóng đá bị Công an huyện Xuyên Mộc phát hiện, triệt phá.
Hai đối tượng sử dụng mạng internet để cá độ bóng đá bị Công an huyện Xuyên Mộc phát hiện, triệt phá.

Sập bẫy vì tin vào người lạ

Ngày 1/8, Công an TP.Vũng Tàu cho biết, đơn vị đã khởi tố vụ án, đang tiếp tục điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên không gian mạng. Theo trình bày của bị hại, từ tháng 1 đến tháng 4/2024, qua mạng xã hội, ông N.D.C. (SN 1976, trú TP.Vũng Tàu) giao lưu, kết nối với người phụ nữ xưng là Trần Thị Thu T. (SN 2003, trú huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Sau một thời gian nói chuyện, T. mời ông C. đầu tư góp vốn vào dự án SD AI “chuyển đổi số doanh nghiệp” do T. làm nhân viên kỹ thuật, chịu trách nhiệm dự án. Do tin tưởng nên ông C. đã góp 1,1 tỷ đồng. Sau đó, phát hiện mình bị lừa ông C. đến cơ quan công an trình báo.

Mới đây, bà N.T.L. (SN 1954, trú TP.Vũng Tàu) chơi trò chơi trên mạng bị mất 761 triệu đồng. Sau đó, bà L. lên mạng xã hội nói chuyện với người xưng là luật sư T.H. hứa sẽ giúp lấy lại số tiền đã mất (số tiền này đang bị treo trên ngân hàng H.S). H., đưa cho bà L., đường link Telegram liên kết với bộ phận tài vụ gặp người tên X.T. Người này nói bà L., muốn rút số tiến trên thì phải nộp thuế VAT hơn 32 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng bà L., mới biết bị lừa.

Đấu tranh kết hợp tuyên truyền sâu rộng

Đại tá Bùi Văn Thảo, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức, chuyên nghiệp, có sự liên kết chặt chẽ giữa tội phạm trong nước và nước ngoài. Đối tượng sử dụng tài khoản đặt máy chủ ở nước ngoài, sử dụng trạm thu phát sóng di động (BTS) giả, hệ thống số điện thoại ảo trên internet, các nền tảng mạng xã hội cho phép người dùng ẩn danh và ngày càng nâng cao tính bảo mật nên khó phát hiện, truy vết người sử dụng.

Bên cạnh đó, nhiều người dân còn thờ ơ, chưa quan tâm tới công tác tuyên truyền của lực lượng chức năng về các thủ đoạn lừa đảo, tống tiền của tội phạm. Một số người thích việc nhẹ lương cao nên dễ rơi vào bẫy lừa đảo, dụ dỗ của đối tượng; một số người kém hiểu biết vì tiền mà mua bán tài khoản ngân hàng, dữ liệu cá nhân, đứng tên sim điện thoại tiếp tay cho hoạt động của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.  

Tình trạng sử dụng sim rác, tài khoản ngân hàng không chính chủ tuy đã được hạn chế, nhưng bằng nhiều cách thức khác nhau tội phạm vẫn thực hiện gọi điện, đăng ký các tài khoản mạng xã hội để tiếp nhận, chuyển và rút tiền gây khó khăn trong công tác xác minh, truy vết. Công tác phối hợp, cung cấp thông tin của các tổ chức tín dụng về tài khoản ngân hàng, các công ty viễn thông, mạng internet về chủ thuê bao liên quan đến các vụ việc, vụ án còn chậm, kéo dài gây ảnh hưởng, khó khăn đến tiến độ xác minh, điều tra vụ án.

Lực lượng công an phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao mới được thành lập nên phương tiện kỹ thuật công nghệ, nghiệp vụ còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu; cán bộ có kiến thức chuyên sâu về công nghệ thông tin, kinh nghiệm về phòng chống tội phạm công nghệ cao còn thiếu, đặc biệt là tại công an cấp huyện... Công tác thiết lập, sử dụng các biệp pháp nghiệp vụ có thể thâm nhập, thu thập thông tin về âm mưu, ý đồ, phương thức, thủ đoạn hoạt động, tài liệu, chứng cứ điện tử để xử lý các loại đối tượng trên không gian mạng còn khó khăn, hạn chế.

Trong thời gian tới, để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao Đại tá Bùi Văn Thảo đề nghị các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về an ninh mạng, phương thức, thủ đoạn, cách phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao bằng nhiều hình thức như: sử dụng mạng xã hội, hội nghị trực tiếp, phương tiện thông tin đại chúng…

6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 vụ sử dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội. Lực lượng công an đã điều tra khám phá 15/19 vụ.

Tăng cường công tác phối hợp giữa công an với các cơ quan có liên quan như: các tổ chức tín dụng, công ty cung cấp dịch vụ viễn thông đặc biệt là thực hiện định danh các tài khoản ngân hàng, các số điện thoại (gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) để hạn chế các đối tượng sử dụng tài khoản không chính chủ, sim rác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, có quy chế phối hợp nhanh, hiệu quả để điều tra, phát hiện đối tượng phạm tội để ngăn chặn việc nhận, chuyển tiền và xử lý triệt để tội phạm.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh triển khai đồng bộ lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ tổ chức nắm chắc tình hình an ninh, trật tự trên không gian mạng, chủ động xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự an toàn xã hội nổi lên như: tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua mạng; hoạt động tín dụng đen trên mạng; tội phạm sử dụng không gian mạng hoạt động lừa đảo tống tiền chiếm đoạt tài sản; mua bán văn bằng chứng chỉ, mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ, các hoạt động tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm…

Bài, ảnh: TRÍ NHÂN

.
.
.