Dịp cận Tết, trên mạng xã hội nở rộ dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới để hưởng phần trăm chênh lệch. Mặc dù hành vi này trái pháp luật và có nghị định xử phạt nhưng nhiều người vẫn bất chấp để kiếm lời.
Dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới nở rộ dịp gần Tết (ảnh chụp màn hình facebook). |
Nở rộ dịch vụ đổi tiền lì xì Tết
Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trên mạng xã hội facebook, zalo nở rộ dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới để phục vụ nhu cầu lì xì của người dân. Từ các tài khoản cá nhân đến trang fanpage, “chợ” đổi tiền online liên tục xuất hiện các bài viết chào mời đổi.
Chỉ trong vài ngày, tài khoản facebook M.L. (ngụ TP. Vũng Tàu) liên tục có các bài đăng thông tin chào mời mọi người đổi tiền mới mệnh giá 10 ngàn đồng, 20 ngàn đồng, 50 ngàn đồng và 100 ngàn đồng. “Hiện tôi còn tiền mệnh giá 10 ngàn đồng, 50 ngàn đồng và 100 ngàn đồng, phí đổi tiền là 80 ngàn đồng/1 triệu đồng (tương đương 8%). Tiền mệnh giá 20 ngàn đồng không còn nữa”, M.L. trả lời phóng viên trong vai người đổi tiền.
Tương tự, chúng tôi liên hệ với fanpage “Đổi tiền mới V.T.”, quản lý fanpage này cho biết chỉ còn tiền mệnh giá 10 ngàn đồng, 50 ngàn đồng và 100 ngàn đồng với phí đổi tiền 7%. “Bây giờ không tranh thủ đổi, càng cận Tết tiền mới không còn nhiều và phí sẽ tăng hơn ”, quản lý fanpage thông báo.
Theo khảo sát của phóng viên, hầu hết những người làm dịch vụ đều yêu cầu phí đổi tiền lẻ, tiền mới từ 7 - 8%/1 triệu đồng. Thậm chí có người còn đổi cả ngoại tệ.
Chị Trương Thùy (một thủ quỹ) cho biết, hằng năm chị vẫn liên hệ các ngân hàng để giúp đồng nghiệp trong cơ quan đổi tiền mới. Tuy nhiên năm nay số lượng tiền mới mệnh giá nhỏ khan hiếm, thậm chí không có. “Do Ngân hàng nhà nước cắt giảm số lượng tiền mới nên tôi đổi được rất ít, trong khi nhu cầu của đồng nghiệp, bạn bè còn nhiều. Giờ mệnh giá 20 ngàn đồng tiền mới hầu như không còn để đổi”, chị Thùy chia sẻ.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Ngân hàng Vietbank - Chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, dịp Tết hàng năm nhu cầu đổi tiền mới tăng cao nên hầu như năm nào cũng thiếu trầm trọng. “Vào dịp Tết ngân hàng khá nhiều áp lực trong việc phân phối tiền mới. Ngân hàng Nhà nước phân bổ về bao nhiêu thì chúng tôi đều chia sẻ, đổi cho khách hàng, đối tác, cơ quan... Mặc dù nhu cầu cao nhưng không đáp ứng được hết”, ông Hải nói.
Bị xử phạt như thế nào?
Theo luật sư Đỗ Văn Hoãn (Văn phòng Luật sư Đỗ Lê), theo điều 12 và 13 của Thông tư số 25/2013/TT- NHNN ngày 2/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông có quy định chỉ có Ngân hàngNhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới có thẩm quyền thực hiện thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho các tổ chức, cá nhân. Do đó, hành vi đổi tiền để hưởng chênh lệch, thu phí đổi mà không thuộc trường hợp được phép đổi tiền theo quy định có thể coi là hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.
Ngoài ra, Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định hành vi đổi tiền để hưởng phần trăm chênh lệch có thể bị xử phạt từ 20 - 40 triệu đồng đối với cá nhân, 40 - 80 triệu đồng đối với tổ chức.
Ngày 17/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Công điện số 01/CĐ-NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (chi nhánh NHNN), các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của NHNN về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tăng cường phối hợp kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong mua bán ngoại tệ, vàng và đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. |
Về thẩm quyền, trường hợp tổ chức có hành vi đổi tiền không đúng quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 40 - 80 triệu đồng thuộc thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng hoặc trưởng đoàn thanh tra theo quy định. Tùy theo mức độ hành vi, có thể tịch thu tang vật.
Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng có quyền phạt tiền đến 250 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 500 triệu đồng. “Người dân có nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới nên liên hệ các tổ chức, đơn vị có thẩm quyền. Cẩn trọng với dịch vụ đổi tiền lấy phí đang diễn ra trên mạng internet vì có nguy cơ gặp phải tiền giả hoặc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, luật sư Hoãn khuyến cáo.
MẠNH QUÂN