Từ ngày 1/7/2023, Luật Thanh tra năm 2022 chính thức có hiệu lực. Với nhiều điểm mới quan trọng, luật sẽ khắc phục những hạn chế trong hoạt động thanh tra. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xung quanh luật này.
* PV: So với trước đây, Luật Thanh tra năm 2022 có những điểm mới gì nổi bật, thưa ông?
- Luật sư Trương Xuân Tám: Luật Thanh tra năm 2022 được ban hành nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra và khắc phục những hạn chế của Luật Thanh tra 2010 qua hơn 10 năm thực hiện.
Luật Thanh tra năm 2022 gồm 8 Chương, 118 Điều, tức là tăng 1 Chương và 40 Điều so với Luật Thanh tra năm 2010 và bổ sung những quy định mới trên cơ sở tổng kết thực tiễn về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra.
Điểm mới nổi bật của Luật Thanh tra năm 2022 là cho phép thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ. Đồng thời, quy định UBND tỉnh có quyền thành lập thanh tra sở. Cụ thể tại khoản 2, Điều 26 quy định thanh tra sở được thành lập trong các trường hợp sau đây: Theo quy định của luật; tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; tại sở do UBND tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao. Tại những sở không thành lập cơ quan thanh tra, giám đốc sở giao đơn vị thuộc sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Đối với các sở không thành lập thanh tra sở thì thanh tra tỉnh thực hiện nhiệm vụ thanh tra đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của sở (điểm đ khoản 1, Điều 23).
Luật Thanh tra năm 2022 cũng quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra; các trường hợp cụ thể người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trước khi ký ban hành kết luận thanh tra. Cụ thể: Điều 78 quy định, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình. Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn theo quy định.
Điều 78 quy định, trong quá trình tiến hành thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể ban hành kết luận thanh tra đối với các nội dung đã được kiểm tra, xác minh, đủ cơ sở để kết luận và tiếp tục tiến hành thanh tra các nội dung khác trong quyết định thanh tra. Một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra nhằm phục vụ kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước.
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh về quản lý trang thiết bị y tế. Trong ảnh: Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa. Ảnh: NHẬT LINH (Ảnh minh họa) |
* Theo ông, những điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022 sẽ góp phần khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh như thế nào?
- Thời gian qua nhiều hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (mà một số hoạt động thực chất chỉ là kiểm tra của cơ quan quản lý) chủ yếu là nhằm phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội có hành vi vi phạm để bảo đảm trật tự quản lý.
Do đó, Luật Thanh tra năm 2022 quy định đầy đủ, cụ thể để xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra ngay từ khâu lập kế hoạch thanh tra. Theo đó, mỗi Bộ chỉ có một kế hoạch thanh tra chung gồm kế hoạch thanh tra của thanh tra bộ và kế hoạch thanh tra của tổng cục, cục thuộc bộ; mỗi tỉnh chỉ có một kế hoạch thanh tra, gồm kế hoạch thanh tra của thanh tra tỉnh, kế hoạch thanh tra của thanh tra Sở và kế hoạch thanh tra của thanh tra cấp huyện.
Như vậy, thời gian tới, thanh tra tỉnh, thanh tra huyện và thanh tra các sở chỉ còn thực hiện chung một kế hoạch thanh tra do thanh tra tỉnh xây dựng, trình chủ tịch UBND tỉnh ban hành theo quy định tại Điều 45 của Luật Thanh tra năm 2022.
Việc thực hiện chung một kế hoạch thanh tra góp phần tăng cường vai trò, trách nhiệm của thanh tra tỉnh trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc về công tác và nghiệp vụ đối với thanh tra cấp sở, cấp huyện, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trong hoạt động thanh tra toàn ngành.
Đối với hoạt động thanh tra, Luật Thanh tra năm 2022 khắc phục việc chậm ban hành kết luận thanh tra, tiến tới sẽ không còn chậm nữa. Luật quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục để tiến hành một cuộc thanh tra từ thành lập đoàn thanh tra, thu thập thông tin, chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra trực tiếp, ra kết luận thanh tra, công khai kết luận thanh tra (trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 49; thanh tra chuyên ngành được thực hiện theo quy định tại Điều 50).
Đây chính là điểm quan trọng để phân biệt hoạt động thanh tra, dù là thanh tra hành chính hay chuyên ngành cũng phải được tiến hành bài bản, chuyên nghiệp, khác với hoạt động kiểm tra thường xuyên được thực hiện linh hoạt, đáp ứng yêu cầu nhanh gọn, bảo đảm trật tự, kỷ cương trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Mặt khác, Luật Thanh tra năm 2022 cũng nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước phải thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý; việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc ngành, lĩnh vực do mình phụ trách để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước.
* Xin cảm ơn ông.
TRIỆU VỸ (Thực hiện)