Lật tẩy hoạt động của "cò" cấp, đổi giấy phép lái xe

Thứ Ba, 04/04/2023, 19:38 [GMT+7]
In bài này
.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Cơ quan chức năng nhận định, “cò” dùng giấy khám sức khoẻ (KSK) giả để làm hồ sơ cấp, đổi giấy GPLX là việc làm rất nguy hiểm. Các bệnh viện, phòng khám cần siết chặt quản lý việc cấp giấy KSK để “cò” không còn đất sống.

Theo tìm hiểu, “cò” Q. (bên phải) là người từng hoạt động chèo kéo tài xế làm dịch vụ cấp đổi GPLX  khoảng 3 năm trước và đã bị lực lượng chức năng đuổi dẹp.
Theo tìm hiểu, “cò” Q. (bên phải) là người từng hoạt động chèo kéo tài xế làm dịch vụ cấp đổi GPLX khoảng 3 năm trước và đã bị lực lượng chức năng đuổi dẹp.

Rà soát lại quy trình cấp giấy khám sức khỏe

Trao đổi với PV, Giám đốc của một Phòng khám đa khoa ở TP.Vũng Tàu (nơi giấy KSK mà nhóm “cò” Q. cung cấp) cho biết theo lịch niêm yết sẵn, phòng khám chỉ tiếp nhận KSK (GPLX, xin việc, khám định kỳ) vào thứ Bảy hàng tuần. Trường hợp có đơn vị đăng ký số lượng lớn, phòng khám mới nhận khám theo lịch hẹn; tất cả thủ tục khám, đóng lệ phí đều hoàn tất tại phòng khám, quá trình khám sàng lọc kéo dài từ 45-60 phút.

Vị giám đốc này giải thích thêm: “Đã có trường hợp bị mù màu, điếc khi đi KSK và bị loại. Chủ trương của phòng khám là sàng lọc kỹ càng, tránh trường hợp không đạt yêu cầu nhưng vẫn đậu”.

Tuy nhiên, quy trình khám bệnh mà chúng tôi ghi nhận thì không giống như vị giám đốc phòng khám thông tin. Bởi qua tay nhóm “cò”, tài xế không cần đến phòng khám KSK mà chỉ cần cung cấp hình ảnh qua zalo kèm thông tin cá nhân và hẹn lịch để “cò” hỗ trợ làm hồ sơ trực tiếp. Tại đây, hồ sơ có dấu mộc của một Phòng khám đa khoa ở TP.Vũng Tàu, có chữ ký của bác sĩ tại phòng khám và có phiếu thu tiền kèm dấu mộc của giám đốc phòng khám này.

Khi nghe thông tin, vị giám đốc phòng khám tỏ ra bất ngờ vì cho rằng chủ trương của nơi này về KSK là khám sàng lọc kỹ càng, không nhận làm dịch vụ chớp nhoáng và làm trực tiếp tại phòng khám. Biên lai thu tiền KSK cũng được sử dụng trên phần mềm chứ không ký trực tiếp.

“Tôi không trực tiếp ký phiếu thu tiền vì phòng khám sử dụng biên lai thu tiền qua phần mềm của thuế. Tôi sẽ yêu cầu rà soát lại quy trình làm việc của đội ngũ cán bộ nhân viên của phòng khám. Tôi sẽ quán triệt và theo dõi lại, tôi nghi ngờ có đối tượng móc nối với nhân viên để làm chuyện này”, vị giám đốc phòng khám nhấn mạnh.

Theo quy định, cấp, đổi GPLX phải có hồ sơ gốc. Nhưng từ năm 2013 đến nay, hồ sơ gốc đã được cập nhật dữ liệu trên mạng, nếu người dân không còn thì cán bộ cũng sẽ kiểm tra dữ liệu để cập nhật, tạo điều kiện hoàn thiện hồ sơ cho người dân. Do đó, người dân không nên nghe “cò” hù doạ để mất tiền sử dụng dịch vụ.
Ông Dương Viết Tri, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và Người lái, Sở GT-VT

Hợp thức giấy KSK trong hồ sơ rất nguy hiểm

Trong khi đó, ông Dương Văn Thơm, Phó Giám đốc TTPVHCC tỉnh cho biết, khoảng 3 năm trước tình trạng “cò” mà chủ yếu là “cò” về các thủ tục liên quan đến GPLX rộ lên. Thậm chí, có “cò” còn ngang nhiên dán băng rôn, quảng cáo trên xe ô tô đậu trước sân Trung tâm để “giới thiệu” dịch vụ.

“Thời điểm đó có 2 nhóm “cò” tranh giành địa bàn. Có nhóm còn chụp ảnh, quay clip gửi cho tôi để tố cáo. Trung tâm phải yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc mới sạch bóng “cò”, ông Dương Văn Thơm kể.

Theo ông Dương Văn Thơm, gần đây, cán bộ Trung tâm phát hiện 1 “cò” tên Đ. thường lảng vảng trước sân và mồi chài người dân đi làm thủ tục dịch vụ nên đang theo dõi xử lý. Còn Q. là đối tượng hoạt động vào thời điểm khoảng 3 năm trước rồi bị cơ quan chức năng đuổi dẹp, từ đó đến nay không thấy Q. xuất hiện ở trung tâm.

Về việc giấy KSK do “cò” làm hồ sơ cho tài xế, ông Thơm cho biết, cán bộ TTPVHCCC rất cảnh giác nhưng nhiều lúc không kiểm soát và xác minh thật hay giả được. Chỉ có thể xác định xem phòng khám có đủ chức năng cấp giấy KSK hay không để từ chối tiếp nhận hồ sơ. “Cán bộ TTPVHCC có bắt gặp một số hồ sơ xin cấp, đổi GPLX có giấy KSK mà người đi khám “bỏ quên” không ký nhưng chữ ký, dấu của bác sĩ phòng khám đầy đủ nên yêu cầu xác minh lại”, ông Dương Văn Thơm thông tin thêm.

Theo ông Dương Văn Thơm, việc “cò” làm giấy KSK để hợp thức hóa hồ sơ cấp đổi GPLX cho tài xế là rất nguy hiểm. “Cần phải làm rõ,  giấy KSK là do “cò” làm giả hay có sự tiếp tay từ phòng khám để xử lý. Nếu người dân phát hiện cán bộ Trung tâm làm sai cứ cung cấp bằng chứng hoặc báo cho tôi. Tôi sẽ xử lý ngay”, ông Dương Văn Thơm nói.

Theo ông Thơm, hiện nay việc làm thủ tục hành chính tại Trung tâm  không hề khó, Bệnh xá Công an tỉnh nằm gần bên Trung tâm nên làm giấy KSK cũng rất tiện lợi. Dó đó, người dân cần cảnh giác, tránh để cò “hù” mà tốn vài trăm ngàn đồng nhờ làm dịch vụ.

Tương tự, ông Dương Viết Tri, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và Người lái, Sở GT-VT cho biết, việc cấp đổi GPLX hay các thủ tục hành chính khác bây giờ rất dễ dàng, thậm chí người dân có thể nộp online.

Bài, ảnh: TRIỆU VỸ- MẠNH QUÂN-TRẦN TIẾN
 
;
.