Tăng hệ số trượt giá BHXH năm 2023, người lao động không cần chờ 2 năm để giám định lại sức khỏe do tai nạn lao động... là những chính sách về BHXH có hiệu lực từ tháng 2/2023. Ngoài ra, Nghị định 111/2022/NĐ-CP quy định, từ 22/2 hợp đồng trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp cũng có nhiều thay đổi.
Hệ số trượt giá tăng dao động từ 0,03 đến 0,16
Mỗi năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đều điều chỉnh mức tiền lương, thu nhập đã đóng BHXH (hay còn gọi là hệ số trượt giá) để bù đắp sự mất giá của đồng tiền ở các thời điểm đóng bảo hiểm trước đây.
Tại Thông tư 01/2023/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 3/1/2023, hệ số trượt giá áp dụng cho năm 2023 đã được điều chỉnh tăng so với năm 2022. Mức tăng dao động từ 0,03 đến 0,16. Thông tư 01/2023/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 20/2/2023 nhưng bảng hệ số trượt giá BHXH được tính cho các trường hợp hưởng BHXH từ ngày 1/1/2023.
Giám định lại sức khỏe do tai nạn lao động không cần chờ 2 năm
Đây cũng là một trong những chính sách mới về bảo hiểm có hiệu lực từ tháng 2/2023, được đề cập tại Thông tư 18/2022/TT-BYT.
Theo khoản 8, Điều 1, Thông tư 18, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã thực hiện giám định sức khỏe để hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có thể chủ động đi khám giám định lại mức suy giảm khả năng lao động nếu có nhu cầu.
Trước đó, nếu muốn giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người lao động phải chờ ít nhất 2 năm (đủ 24 tháng) tính từ ngày người lao động được hội đồng giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gần nhất trước đó.
Ngoài ra, người lao động còn được quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trả phí khám giám định lại nếu kết quả khám giám định xác định người lao động đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Trường hợp kết quả giám định lại không đủ để được điều chỉnh tăng mức trợ cấp, người lao động chủ động đề nghị khám giám định lại sẽ phải tự chịu chi phí khám giám định.
Hợp đồng trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp
Nghị định 111/2022/NĐ-CP quy định, từ 22/2, các công việc thực hiện chế độ hợp đồng trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp chia thành 3 nhóm: Công việc hỗ trợ, phục vụ áp dụng chế độ theo pháp luật lao động, dân sự và quy định khác có liên quan; Công việc hỗ trợ, phục vụ áp dụng chế độ, chính sách như công chức; Các công việc chuyên môn, nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, Nghị định 111/2022 chỉ giới hạn 2 loại hợp đồng được ký với người không thuộc biên chế, không phải cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước là hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ.
Trước đây, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập còn có thể ký hợp đồng thuê khoán tài sản, hợp đồng kinh tế hoặc các loại hợp đồng khác.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập là người có thẩm quyền ký hợp đồng. Nếu không trực tiếp ký hợp đồng thì có thể ủy quyền bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị thuộc hoặc trực thuộc thực hiện.
CHƯƠNG NGUYỄN
(tổng hợp)