NHỨC NHỐI NẠN "XE DÙ, BẾN CÓC"

Kỳ 3: Vì sao xe dù, xe trá hình hoành hành?

Chủ Nhật, 08/01/2023, 19:06 [GMT+7]
In bài này
.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Tình trạng xe dù, bến cóc, xe nhái thương hiệu, xe hợp đồng trá hình không phải mới, tuy nhiên đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Vậy nguyên nhân do đâu?

Taxi biển số trắng thản nhiên đón khách tại TP. Bà Rịa.
Taxi biển số trắng thản nhiên đón khách tại TP. Bà Rịa.

Thuận tiện quá… dễ mất quyền lợi!

Thực tế của PV Báo Bà Rịa-Vũng Tàu trong quá trình ghi nhận, các xe “dù”, xe hợp đồng trá hình thường loanh quanh đón rước khách dọc đường chứ không theo lộ tuyến. Thời gian cao điểm thì vô tư nhồi nhét khách. Hành khách lên xe cũng chỉ cần đọc số điện thoại, báo lộ trình và di chuyển, rất ít khi đưa vé.

Để xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình lấn át các xe trong bến như hiện nay cũng xuất phát từ nhu cầu “tiện lợi” của hành khách. Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hầu hết các xe lưu thông dọc QL51 chủ yếu vận chuyển hành khách đi TP. Hồ Chí Minh.

Nhiều hành khách có nhu cầu di chuyển bằng xe khách nhưng ở xa bến xe tại huyện, thị xã, thành phố, gây khó khăn cho việc đưa đón. Các xe hợp đồng trá hình, xe nhái thương hiệu lại “có lợi thế” khi họ sử dụng xe trung chuyển hoặc thay đổi lộ trình để đón khách tận nhà, thậm chí trả khách tận nơi. Hành khách vì thấy thuận tiện nên cũng hợp tác, thế nhưng khi xảy ra sự cố trong quá trình di chuyển, hành khách sẽ bị ảnh hưởng nhiều quyền lợi.

Đồng thời, việc đón trả khách vô tội vạ (đặc biệt tuyến quốc lộ 51) càng gây ảnh hưởng đến trật tự ATGT cũng như công tác quản lý nhà nước.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Hùng, Trưởng ban quản lý bến xe khách Châu Đức cho biết, xe khách ở bến quản lý thì HTX hoặc DN kinh doanh vận tải sẽ xuất bán vé đầy đủ, trong đó có quyền lợi về bảo hiểm. “Hành trình di chuyển nếu lỡ xảy ra tai nạn hoặc chuyện không may thì sẽ có bảo hiểm chi trả, được DN kinh doanh vận tải hỗ trợ và đảm bảo quyền lợi”, ông Hùng nói.

Tình trạng taxi tại TX.Phú Mỹ hét giá, chặt chém khách hàng khiến nhiều hành khách bức xúc.
Tình trạng taxi tại TX.Phú Mỹ hét giá, chặt chém khách hàng khiến nhiều hành khách bức xúc.

Cũng theo ông Hùng, trong bến xe khách được kiểm soát tốt. Nếu xe có hư hỏng, trục trặc thì ban quản lý bến xe sẽ yêu cầu nhà xe sửa chữa, xử lý. Chỉ khi nào đảm bảo các yêu cầu về an toàn kỹ thuật, phòng chống cháy, nổ, kiểm soát chặt số lượng hành khách thì mới được xuất bến.

Đối với xe “dù” thường sẽ lòng vòng khắp nơi “bắt” cho đủ khách mới chạy. Còn có tình trạng sang bán khách cho xe khác. Khi không may xảy ra sự cố thì không được hỗ trợ gì. Thiệt hại của nhà nước là không thu được tiền thuế vì xe dù không có vé, không khai báo thuế. 

Cần tăng cường xử lý

Ông Đỗ Thành Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Bến xe tỉnh cũng cho biết, các xe khách tại bến xe sẽ làm việc theo quy trình và kiểm soát chặt chẽ. Xe được quản lý 2 đầu Sở GT-VT và có vé, lộ trình rõ ràng. Xe cũng được kiểm tra để đảm bảo lối thoát hiểm, PCCC. Tài xế điều khiển cũng cần đầy đủ điều kiện về GPLX, giấy kiểm định, bảo hiểm bắt buộc. Công tác xuất bến cũng được kiểm tra lệnh xuất bến, xuất hóa đơn thanh toán và quẹt thẻ điều độ để truyền dữ liệu về Bộ GT-VT.

Còn đối với xe dù, xe tiện chuyến, xe hợp đồng trá hình, xe nhái thương hiệu… sẽ bán bằng giá vé tại bến nhưng có thể tự ý tăng và dịp tết sẽ thoải mái tăng giá.

Ông Nghĩa nói: “Hiện nay xe nhái rất nhiều, hành khách sẽ không có quyền lợi về phí bảo hiểm, không được đảm bảo trọn vẹn lộ trình vì các xe này có thể “quăng” khách dọc đường hoặc bán qua xe khác”.

Lý giải về việc người dân lựa chọn “xe dù, bến cóc” mà không tới bến xe, ông Đỗ Thành Nghĩa cho rằng hiện nay các nhà xe thường quảng cáo số điện thoại lên mạng internet. Người dân không nắm rõ chất lượng dịch vụ, chỉ thấy xe nào tiện đi, gần nhà thì gọi số điện thoại nhà xe để họ đi qua là rước đi chứ không muốn tới bến.

“Ngoài triển khai công tác phục vụ tết, Công ty Dịch vụ Bến xe tỉnh cũng sẽ phối hợp với cơ quan chức năng như CSGT, TTGT để xử lý nạn xe dù, xe giả thương hiệu. Cần xử lý mạnh tay để đảm bảo quyền lợi hành khách và các đơn vị vận tải chạy đúng quy định”, ông Đỗ Thành Nghĩa nói.

Ông Trần Thanh Danh, Chánh thanh tra Sở GT-VT cho biết, kế hoạch xử lý xe dù, bến cóc, xe nhái thương hiệu, xe hợp đồng trá hình được Sở GT-VT và Thanh tra Sở triển khai theo từng năm, đặc biệt dịp cuối năm. Trước đó, lực lượng chức năng cũng đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Đối với những trường hợp này, đơn vị luôn xử lý nghiêm để chấn chỉnh. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nhắc nhở các nhà xe, bến xe, tài xế chấp hành quy định cũng được đơn vị triển khai xuyên suốt trong năm.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý đối với các xe “lách luật” như hiện nay còn gặp khó khăn do hành khách trên xe không hợp tác. Việc kiểm tra lâu có thể gây trì hoãn lộ trình khám chữa bệnh, trễ chuyến bay hoặc việc quan trọng của hành khách trên xe.

Đối với tình trạng xe taxi dùng biển số trắng mà Báo Bà Rịa-Vũng Tàu phản ánh, ông Dương Viết Tri, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GT-VT) khẳng định việc sử dụng xe ô tô biển số trắng vào mục đích vận tải hành khách, dịch vụ là hoàn toàn sai quy định, cần phải xử lý.
Thời gian qua, Phòng cũng đã tham mưu cho Sở GT-VT về phương hướng xử lý các xe taxi dù hoặc ô tô sử dụng biển số trắng để chở khách. “Chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để kiểm tra các loại hình này. Đồng thời cũng sẽ tổ chức tuyên truyền nhắc nhở HTX, bến xe để chấn chỉnh, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý”, ông Tri nói.

BẠCH LONG - TRẦN TIẾN

;
.