Lợi dụng Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, một số chủ tàu đã“lách luật” nhằm hợp thức hóa hồ sơ, trục lợi từ chính sách này.
Nhân viên Chi Cục Thủy sản tỉnh kiểm tra hành trình phương tiện qua hệ thống giám sát tàu cá. |
Mở rộng điều tra đối tượng vi phạm
Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách khuyến khích khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa (gọi tắt là các vùng biển xa bờ). Theo đó, Quyết định 48 hỗ trợ chi phí nhiên liệu đi và về của các tàu hoạt động trên các vùng biển xa tối đa 4 chuyến biển/tàu/năm với từng mức hỗ trợ cụ thể. Các thuyền trưởng, thuyền viên và những người làm việc trên tàu được cung cấp miễn phí nước ngọt, dịch vụ y tế thông thường, chỗ ngủ lưu trú trên đảo có các điều kiện cung ứng.
Các cá nhân, hộ gia đình hưởng chính sách trên phải đăng ký tàu thường xuyên hoạt động khai thác và dịch vụ khai thác hải sản trên vùng biển xa bờ với cơ quan quản lý. Đồng thời, có xác nhận của đơn vị bộ đội đóng trên các đảo gần ngư trường khai thác hải sản hoặc xác nhận vị trí hoạt động của tàu cá bằng hệ thống giám sát định vị vệ tinh (GPS) của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, thời gian gần đây một số chủ tàu đã có hành vi tháo gửi, nhận gửi thiết bị giám sát hành trình từ tàu mình sang tàu khác hoặc ngược lại nhằm trục lợi chính sách.
Tháng 4 vừa qua, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Xuyên Mộc về triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2022, Công an tỉnh cũng đề cập đến tình trạng một số thuyền trưởng lợi dụng Quyết định 48 để trục lợi với thủ đoạn kể trên.
Tàu cá của ngư dân huyện Long Điền neo đậu tại cảng. |
Tại buổi làm việc, Đại tá Bùi Văn Thảo, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, năm 2018 lực lượng công an đã khởi tố 2 đối tượng liên quan đến hành vi trên. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đã phát hiện thêm một số đối tượng và đang mở rộng điều tra, xử lý theo quy định.
Loại tàu cá vi phạm ra khỏi danh sách hỗ trợ
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, đại diện Chi Cục Thủy sản tỉnh (Sở NN-PTNT) cho biết, Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ được đơn vị triển khai, tuyên truyền đến ngư dân từ năm 2011 đến nay.
Tuy nhiên, năm 2020, trong quá trình giải quyết hồ sơ theo Quyết định 48, Sở NN-PTNT đã phát phiện 21 tàu cá của 19 chủ tàu có dấu hiệu tháo gửi, nhận thiết bị giám sát hành trình nhằm hợp thức hóa hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Trong đó, 19 tàu/17 chủ tàu cư trú tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc; 2 tàu/2 chủ tàu cư trú tại TP. Vũng Tàu.
Tính đến cuối năm 2021, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho hơn 4.000 tàu cá/hơn 11 ngàn chuyến biển với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 800 tỷ đồng.
|
Sở NN-PTNT đã phối hợp Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh làm việc với các chủ tàu và họ đã thừa nhận hành vi trên. Trong năm 2021, cơ quan chức năng cũng loại những chủ tàu vi phạm ra khỏi danh sách xem xét hỗ trợ theo Quyết định 48. Đồng thời, xử phạt nhiều chủ tàu có hành vi tháo gửi, nhận gửi thiết bị định vị giám sát hành trình và làm giả hồ sơ theo quy định.
Ngày 20/5, Công an tỉnh đã có văn bản gửi Sở NN-PTNT đề cập đến tình trạng trục lợi từ Quyết định 48. Theo đó, cơ quan công an xác định hành vi gửi thiết bị giám sát hành trình, máy nhắn tin và nhận thiết bị giám sát hành trình của 17 chủ tàu cá trên chưa chiếm đoạt được tiền nên không truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, để bảo đảm chấp hành nghiêm chính sách của Nhà nước về hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho tàu cá khai thác trên vùng biển xa và tránh tình trạng trục lợi, Công an tỉnh đề nghị Sở NN-PTNT có biện pháp xử lý hành chính đối với các chủ tàu này.
Ngày 12/5/2022, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh đã đề nghị Viện KSND truy tố ông Võ Duy Năm (ngụ xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) về hành vi kê khai khống thời gian chuyến biển của tàu BV 95528 TS từ năm 2017 đến năm 2019, đồng thời làm giả 3 hồ sơ để chiếm đoạt 165 triệu đồng, phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174, Bộ luật Hình sự. |
Bài, ảnh: TRẦN TIẾN