Cảnh giác chiêu trò lừa đảo "việc nhẹ lương cao"

Thứ Sáu, 27/05/2022, 20:01 [GMT+7]
In bài này
.
Thời gian gần đây, nhiều đối tượng nhắn tin đến các số điện thoại của người dùng chào mời công việc mang đến thu nhập trung bình từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/ngày. Với hình thức này, nhiều người cả tin đã bị kẻ gian lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. 
Tin nhắn lừa đảo “việc nhẹ lương cao” đang dồn dập gửi tới người dùng điện thoại trong những ngày gần đây.
Tin nhắn lừa đảo “việc nhẹ lương cao” đang dồn dập gửi tới người dùng điện thoại trong những ngày gần đây.

Ngồi không kiếm... 15-30 triệu đồng/tháng 

Theo Sở TT-TT, thời gian gần đây, Sở đã nhận được nhiều email cảnh báo và cuộc gọi phản ánh về việc đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram để tuyển cộng tác viên (CTV) xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Chị Chu Thị Nguyệt (ngụ đường Nguyễn Hữu Huân, phường Long Tâm, TP. Bà Rịa) cho biết, chỉ trong 3 ngày gần đây, chị đã nhận 6 tin nhắn chào mời việc làm đơn giản, thu nhập cao với nội dung: “Hiện tại công ty đang tuyển dụng nhân viên bán thời gian. Tiền lương được trả hàng ngày. Bạn có thể làm việc tại nhà và thu nhập từ 15-30 triệu đồng/tháng, bình quân 500k-1 triệu đồng/ngày. Công việc đơn giản và có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi…”.

Sau đó, chị Nguyệt tiếp tục nhận được các tin nhắn nội dung: “Nếu bạn đang chưa biết phải làm gì với thời gian rảnh rỗi của bạn hãy liên hệ ngay cho bộ phận nhân sự của công ty HVS chúng tôi, để tham khảo công việc ngay với mức thu nhập 350k-1 triệu đồng/ngày”. Do biết đây là hình thức lừa đảo nên chị Nguyệt không phản hồi lại tin nhắn.

Trong vai người đang có nhu cầu tìm việc, chúng tôi đã nhắn tin qua zalo đến số điện thoại mà chị Nguyệt cung cấp. Sau màn chào hỏi, đối tượng giới thiệu với chúng tôi là Trưởng phòng Nhân sự Công ty HVS, đồng thời hướng dẫn thực hiện đặt mua hàng online để tăng tương tác cho các gian hàng.

Đặc biệt, người này còn yêu cầu chúng tôi phải có tài khoản ngân hàng để thanh toán đơn hàng trước rồi sẽ nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu hoa hồng. Đối tượng ban đầu gửi đường link sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… có giá trị từ vài trăm ngàn, vài triệu đồng cho tới vài chục triệu đồng và yêu cầu chúng tôi thực hiện các bước như: xác thực đơn hàng, chuyển tiền vào tài khoản công ty. Khi không thấy chúng tôi không chuyển tiền vì nghi ngờ đây là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đối tượng đã cố thuyết phục và tiếp tục vẽ ra công việc “trong mơ”.

Theo anh Nguyễn Văn Dũng (ngụ đường Hồ Quý Ly, phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu) đang thất nghiệp ở nhà nên thấy có tin nhắn mời làm CTV, công việc đơn giản mà thu nhập cao nên anh đã làm theo hướng dẫn. Ở những nhiệm vụ đầu tiên, với các đơn hàng có giá trị nhỏ, anh Dũng đều được hoàn tiền hàng và hoa hồng về tài khoản ngân hàng mà anh đã cung cấp khi “tìm việc”. Vì vậy, anh Dũng cũng tin rằng, kiếm được tiền từ công việc chia sẻ, like các đường link mà họ gửi là thật.

Cứ như vậy cho đến khi anh Dũng thực hiện những đơn hàng có giá trị cao, vài chục triệu đồng và không còn khả năng chuyển tiền nữa. Lúc này phía công ty không gửi lại tiền hàng và tiền hoa hồng. Anh Dũng tá hỏa gọi lại số mà “trưởng phòng” đã hướng dẫn anh làm việc thì không liên lạc được, vào zalo thì hiển thị số điện thoại đã liên hệ với anh không còn tồn tại.

Cần tìm hiểu kỹ thông tin

Theo Sở TT-TT, nhiều người dùng điện thoại nhận được tin nhắn qua mạng xã hội với nội dung hứa hẹn “việc nhẹ lương cao”, đồng thời người gửi tự nhận là giám đốc, trưởng phòng nhân sự, tư vấn viên đang làm việc tại một số công ty nổi tiếng. Tuy nhiên nếu làm theo, người dùng sẽ mất tiền và có nguy cơ bị mất thông tin cá nhân, dính mã độc.

Kịch bản chung của các đối tượng lừa đảo là yêu cầu người dùng nạp tiền trước khi tham gia. Chúng có thể trả thưởng khoảng 1-2 lần đầu để họ tin tưởng và nạp thêm, hoặc rủ người thân tham gia cùng. Khi đã có một lượng người dùng nhất định, các dự án này sẽ cho “sập sàn” để chiếm toàn bộ tiền. Sau đó, chúng lại nhắn tin để tìm kiếm những “con mồi” khác.

Sở TT-TT khuyến cáo, chiêu trò này đã có từ lâu và liên tục thay đổi về nội dung để người dùng mất cảnh giác. Gần đây, người dùng nhận được hàng loạt tin nhắn như vậy là do dịch vụ tin nhắn rác nở rộ, cung cấp gói nhắn tin hàng loạt trên nhiều nền tảng như iMessage, Zalo, Telegram.... để quảng cáo về các sàn lừa đảo, sàn đa cấp, trang mạo danh.

“Người dùng điện thoại không nên tin việc làm đơn giản, nhẹ nhàng mà có thu nhập cao từ việc chia sẻ các trang mạng xã hội. Đồng thời, không cung cấp số tài khoản cho người lạ vì rất dễ bị đánh cắp thông tin, mất hết tiền trong tài khoản”, ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Sở TT-TT cảnh báo.

Trước đó, Công an tỉnh cũng nhiều lần cảnh báo về tình trạng các đối tượng mạo danh hình thức đầu tư, xin việc... để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, người dân cần thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi làm việc, tránh xảy ra tình trạng “tiền mất nợ mang” khi thực hiện các giao dịch do các đối tượng này hướng dẫn. 

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.