Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần, các hành vi sử dụng pháo trái phép có dấu hiệu gia tăng. Theo quy định của pháp luật, người dân được sử dụng những loại pháo nào và nếu vi phạm, sẽ bị xử phạt ra sao? Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Cảnh, Giám đốc Công ty Luật Nguyễn Cảnh liên quan đến vấn đề này.
Phóng viên: Luật sư cho biết, làm thế nào để phân biệt pháo nổ, pháo hoa?
- Luật sư Nguyễn Văn Cảnh: Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, pháo được quy định như sau: Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ. Pháo bao gồm: Pháo nổ, pháo hoa.
Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian; Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ; Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90mm hoặc tầm bắn trên 120m.
Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Vậy hiện nay, người dân được phép sử dụng pháo nào, thưa luật sư?
- Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, người dân được phép sử dụng pháo hoa, cụ thể: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Pháo nổ cơ quan công an thu giữ của các đối tượng. |
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định nghiêm cấm người dân nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ (trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP).
Hiện nay, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về sử dụng pháo được quy định như thế nào, thưa luật sư?
- Nếu như trước đây, Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mức xử phạt hành chính đối với hành vi, sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép chỉ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng thì nay tại Nghị định 144/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (có hiệu lực từ 1/1/2022) quy định hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng (tăng gấp 5 lần mức phạt cũ).
Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo.
Đặc biệt, mức phạt tiền từ 20-40 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi mang trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam hoặc mang vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.
Ngoài ra, các hành vi về sử dụng pháo sẽ được xem xét trách nhiệm hình sự tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị phạt tù lên đến 15 năm.
Xin cảm ơn luật sư!
TRÍ NHÂN (Thực hiện)