Vụ tranh chấp lối đi qua cầu Sông Lô ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc: Cần phải đo đạc lại vị trí đất của các bên liên quan
Một số hộ dân ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc gửi đơn đến Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, phản ánh: Cây cầu bắc qua sông Lô nằm ở ấp Khu 1, xã Bình Châu là lối đi chung của người dân từ đường ven biển Vũng Tàu - Bình Châu đi ra biển, bị ông Thái Tăng Lâm (ngụ xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) cắm mốc chiếm dụng, ngăn cản không cho người dân sử dụng cây cầu họ được chính quyền cho phép xây dựng. Phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã tìm hiểu sự việc.
Cây cầu thứ 3 do người dân xây chưa thể hoàn thiện do ông Thái Tăng Lâm không cho thi công. |
Theo trình bày của 5 hộ dân, gồm các ông: Nguyễn Phước Nhật, Lê Thành Nhân, Hà Huy Dương, Nguyễn Tất Lục và Võ Đại Hùng: Năm 2016, họ hùn vốn mua chung khu đất ở ấp Khu 1, xã Bình Châu với tổng diện tích khoảng 80 ngàn m2 từ bà Nguyễn Thị Lan. Các thửa trong khu đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), mục đích sử dụng đất là nuôi trồng thủy sản và trồng cây hàng năm. Trong đó, thửa đất số 59, tờ bản đồ số 26 là của ông Nguyễn Tất Lục, nằm tiếp giáp với khu đất của ông Thái Tăng Lâm (thửa đất số 58, tờ bản đồ số 26) được bà Nguyễn Thị Lan chuyển nhượng vào năm 2018, có vị trí nằm sát cây cầu qua sông Lô. Trước khi có cây cầu này, tại đây cũng có cây cầu tạm do bà Lan xây làm lối đi chung vào các khu đất bên trong và ra biển. Sau khi mua đất, ông Lâm đã đầu tư cây cầu mới, sát bên cây cầu cũ.
Do cây cầu cũ xuống cấp và không muốn đi qua cây cầu do ông Lâm xây, năm 2018, các hộ dân nêu trên góp tiền sửa chữa cầu cũ, nhưng bị ông Lâm xây bờ kè, đổ bê tông, trụ điện và rào chắn đoạn tiếp giáp giữa cầu và khu đất. Đầu năm 2019, các hộ dân làm đơn đề nghị và được UBND huyện Xuyên Mộc chấp thuận cho phép đầu tư xây dựng thêm một cây cầu mới, sát bên cầu cũ và cầu do ông Lâm xây. Sau khi xây dựng cây cầu được khoảng 80% (chi phí ước tính khoảng 1 tỷ đồng), họ không thể hoàn thiện cầu vì ông Lâm đã cắm mốc ngay giữa mố cầu, đồng thời không cho đổ đất đá làm cầu bê tông. “Khi bán đất cho chúng tôi vào năm 2016, bà Lan viết giấy tay nêu rõ khu đất ông Lâm là lối đi chung của các hộ dân. Do đó, đề nghị cơ quan chức năng can thiệp yêu cầu ông Lâm trả lại lối đi chung cho người dân. Đồng thời, không được cản trở việc thi công làm cây cầu mới”, ông Nguyễn Phước Nhật, đại diện cho những hộ dân kiến nghị.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, tại khu vực này hiện có 3 cây cầu bằng bê tông nằm sát nhau, mỗi cầu có chiều dài khoảng 10m, ngang khoảng 3m. Trong đó, cầu thứ nhất đã thông, là lối vào khu đất của ông Lâm. Cầu thứ 2 tuy đã hoàn thiện, nhưng bị rào chắn lối vào khu đất. Còn cầu thứ 3 đang gần hoàn thiện, ngổn ngang vật liệu xây dựng; ngay giữa mố cầu, đoạn nối tiếp giữa cầu và đất có cắm mốc.
Theo ông Thái Tăng Lâm, trong thửa đất số 58 diện tích 121m2 mà ông được cấp giấy CNQSDĐ trước khi người chủ cũ bán cho ông là con đường đi chung. Ngoài thửa đất này, ông cũng có mua và được cấp giấy CNQSDĐ thửa đất bên trong. Sở dĩ ông phải mua thửa đất số 58 vì người chủ cũ (bà Lan) không đồng ý chuyển đất làm đường giao thông. Ông buộc phải mua lại đất để có đường đi với giá 500 triệu đồng. Còn việc xây bờ kè, đổ bê tông, trụ điện và rào chắn ở phần tiếp giáp giữa cầu và đất tại cầu thứ 2, ông Lâm khẳng định: “Khu vực này nằm trên phần đất mà tôi được cấp GCNQSDĐ, do đó tôi làm việc này không có gì là sai”.
Đối với việc cắm cọc ngay giữa chân cầu thứ 3, ông Lâm cho rằng: “Một phần lối đi từ cầu này vào khu đất bên trong cũng nằm trong thửa 58. Tôi không tự ý cắm mốc mà có đề nghị cơ quan chức năng đến đo vẽ và cắm mốc dựa trên giấy CNQSDĐ. Tôi cũng không cho họ đổ đất, làm bê tông ở mố cầu vì nằm trên một phần đất của tôi”. Trong khi đó, nói về việc cắm mốc ở cây cầu thứ 3, ông Nguyễn Phước Nhật không đồng tình, bức xúc cho hay: “Cơ quan chức năng tiến hành cắm mốc xác định vị trí thửa đất số 58 là chưa chuẩn xác và không đúng quy định. Bởi, thời điểm tiến hành đo đạc, cắm mốc không có sự chứng kiến, xác nhận của các bên liên quan”.
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu về vụ việc trên, ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết, khu vực này nằm giáp ranh giữa thửa đất số 59 của ông Nguyễn Tất Lục và thửa đất số 58 của ông Thái Tăng Lâm. Nếu ông Lục thấy việc cắm mốc ở đây là không đúng, thì làm đơn gửi UBND xã để cử người xuống kiểm tra và xác minh sự việc.
Qua diễn biến vụ việc tranh chấp lối đi chung là cây cầu đang xây dở dang của các hộ dân với ông Thái Tăng Lâm, chúng tôi nhận thấy, người dân cần yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành đo đạc lại đất để cắm mốc trên thực địa, có sự chứng kiến của của các bên liên quan và đại diện chính quyền địa phương. Trường hợp các bên vẫn chưa thống nhất và UBND xã Bình Châu đã tổ chức hòa giải nhưng không thành, căn cứ Luật Đất đai năm 2013, khi UBND cấp xã hòa giải không thành, việc tranh chấp đất đai đã được cấp giấy CNQSDĐ giữa các hộ nêu trên với ông Thái Tăng Lâm thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Do đó, người dân có thể nộp đơn đến TAND huyện Xuyên Mộc yêu cầu giải quyết.
Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM