.

Bè cá lấn chiếm luồng hàng hải sông Dinh

Cập nhật: 19:02, 22/12/2019 (GMT+7)

Luồng sông Dinh có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế cảng biển của tỉnh BR-VT. Tuy nhiên, thời gian gần đây tuyến luồng này đang bị các lồng bè, đăng đáy nuôi trồng thủy sản hoạt động lấn chiếm luồng hàng hải sông Dinh, khiến việc lưu thông của các tàu thuyền qua lại gặp nhiều khó khăn.

Lồng bè, đăng đáy nuôi trồng thủy sản hoạt động lấn chiếm luồng hàng hải sông Dinh.
Lồng bè, đăng đáy nuôi trồng thủy sản hoạt động lấn chiếm luồng hàng hải sông Dinh.

Ông Lê Văn Thức, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, cho biết sông Dinh là luồng hàng hải công cộng, được Cục Hàng hải Việt Nam công bố đưa vào sử dụng tại Quyết định số 1090/QĐ-CHHVN ngày 7/12/2012. Dọc sông Dinh có nhiều căn cứ dịch vụ dầu khí lớn nhất cả nước như: Vietsovpetro, cảng Hạ lưu PTSC, cảng xăng dầu PTSC, cảng kho xăng dầu Đông Xuyên đã được Cục Hàng hải Việt Nam công bố cho phép tiếp nhận tàu có trọng tải đến 10.000 DWT; các cơ sở đóng mới tàu thuyền, giàn khoan; các căn cứ quân sự (Vùng 2 Hải quân; Cảnh sát biển Vùng 3...).

Hiện nay sông Dinh là một trong những tuyến luồng có lưu lượng tàu thuyền qua lại khá lớn, với 20 bến cảng được công bố cấp thẩm quyền đưa vào khai thác, sử dụng. Bình quân hàng năm có hơn 5.000 lượt tàu sử dụng luồng sông Dinh ra vào các cảng trong khu vực, trong đó có 4.437 lượt tàu biển và các tàu dịch vụ dầu khí, tàu hàng, tàu công vụ, các phương tiện thủy của người dân, DN cũng thường xuyên qua lại hàng ngày trên tuyến sông Dinh. Số lượng hàng hóa thông qua các bến cảng sông Dinh từ năm 2018 đến nay đạt hơn 1 triệu tấn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây trên tuyến luồng này xuất hiện nhiều bè cá, đăng đáy vi phạm phạm vi bảo vệ luồng sông Dinh. Mới đây các cơ quan chức năng gồm: Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, UBND TP.Vũng Tàu, Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Nam Bộ, Sở NN-PTNT và các đơn vị liên quan đã tiến hành khảo sát thực tế hiện trường nhằm thống kê, xác định danh sách lồng bè, đăng đáy phạm vi bảo vệ luồng hàng hải trên khu vực sông Dinh thì phát hiện có đến 23 trường hợp vi phạm. Ông Thức cho biết, theo Thông tư số 57/2015/TT-BGTVT ngày 19/10/2015 của Bộ Giao thông Vận tải công bố vùng nước cảng biển thuộc địa phận tỉnh BR-VT và khu vực quản lý của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu thì toàn bộ 23 bè cá, đăng đáy này đều nằm trong phạm vi vùng nước cảng biển thuộc địa phận tỉnh BR-VT (gọi tắt là cảng biển Vũng Tàu).

Cũng theo ông Thức, mặc dù có quy định tại Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21/3/2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải thì Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu được phép xem xét chấp thuận bằng văn bản đối với việc cắm đăng đáy, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản trong khu vực vùng nước cảng biển. Tuy nhiên nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường mà thời gian qua Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu chưa chấp thuận cho cá nhân nào hoạt động cắm đăng đáy, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản tại cảng biển Vũng Tàu. Bởi những chướng ngại vật trên luồng hàng hải chắc chắn sẽ để lại ấn tượng không tốt đối với các hãng tàu. Trước đây cũng đã từng xảy ra vụ va chạm giữa tàu kéo VT Elaine (Quốc tịch: Mongolia, IMO No.: 8113578, Hô hiệu: JVDT5) với lồng bè nuôi trồng thủy sản của ông Nguyễn Văn Trình (đường 30/4, phường Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu ) tại khu vực gần phao báo hiệu hàng hải số “12” luồng sông Dinh.

Ông Trần Đại Nghĩa, Giám đốc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Nam Bộ cho biết, việc các bè cá đóng trái phép trên tuyến luồng làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, vận hành hệ thống báo hiệu hàng hải và hoạt động của các phương tiện tàu thuyền. Nếu tình trạng này không được xử lý kịp thời sẽ gây nguy hiểm và tiềm ẩn tai nạn hàng hải trên tuyến.

Theo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, trước thực trạng nêu trên và trên cơ sở thống kê chi tiết các trường hợp vi phạm, thời gian tới đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, thuyết phục từng hộ có lồng bè vi phạm tự di dời và không tái phạm. Đồng thời sẽ triển khai các biện pháp phù hợp theo quy định để bảo đảm an toàn hàng hải trong khu vực.

Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH

.
.
.