.

Luật An ninh mạng: Tăng cường bảo vệ lợi ích quốc gia và cá nhân, tổ chức

Cập nhật: 16:19, 15/06/2018 (GMT+7)

Sáng 12-6, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã thông qua dự án Luật An ninh mạng (ANM) với 423/466 đại biểu có mặt tán thành (đạt tỷ lệ 86,86%). Luật ANM gồm 7 Chương, 43 Điều, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Đây là công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ lợi ích của tổ chức và bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân trên không gian mạng.

Tháng 7-2017, Công an TP. Việt Trì (Phú Thọ) đã triệu tập đối tượng C.T.D. (SN 1993, ngụ TP.Việt Trì) để làm rõ và xử lý hành vi tung tin đồn thất thiệt về một vụ án mạng lên trang mạng Facebook, gây hoang mang dư luận.
Tháng 7-2017, Công an TP. Việt Trì (Phú Thọ) đã triệu tập đối tượng C.T.D. (SN 1993, ngụ TP.Việt Trì) để làm rõ và xử lý hành vi tung tin đồn thất thiệt về một vụ án mạng lên trang mạng Facebook, gây hoang mang dư luận.

Việc Quốc hội thông qua Luật ANM đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều người. Bởi hiện nay, trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, các mối quan hệ tương tác giữa người quen, người chưa hề gặp mặt nhau trên các trang mạng xã hội liên tục diễn ra từng giây, từng phút. Người ta lên mạng để chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn, hoặc trao đổi thông tin phục vụ cho nhu cầu đời sống, làm ăn. Nhưng cũng có nhiều trường hợp lên mạng nhằm gây tổn thương người khác, hoặc chỉ để bình luận “ném đá” lẫn nhau về một câu chuyện nào đó chẳng liên quan tới mình. Vì vậy, vấn đề bảo vệ danh dự, nhân phẩm, quyền riêng tư của cá nhân trên không gian mạng là yêu cầu cần thiết.

Anh Lê Văn Trung (ngụ phường 7, TP.Vũng Tàu) cho hay, mấy tháng trước, anh chia tay người yêu vì không hợp nhau. Gần đây, khi anh có bạn gái mới thì người yêu cũ liên tục lên facebook đăng tải những hình ảnh lắp ghép, kèm theo lời lẽ thóa mạ anh và người bạn gái khiến anh rất bức xúc. “Danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của công dân được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, người nào sử dụng mạng xã hội để dựng chuyện, nói xấu người khác cần được cơ quan chức năng xử lý nghiêm”, anh Trung bày tỏ. Còn bà Nguyễn Thị Ngọc, chủ một DNTN ở TP.Bà Rịa thì cho rằng trong hoạt động kinh doanh không tránh khỏi chuyện cạnh tranh. Nhưng một số người đã lợi dụng mạng xã hội để đăng tải những hình ảnh, nội dung sai sự thật, nhằm làm mất uy tín và ảnh hưởng đến chuyện làm ăn của đối thủ. Điều đó đòi hỏi Nhà nước phải có biện pháp chế tài, tùy theo mức độ vi phạm mà xử phạt hành chính, hay xử lý hình sự.

Thời gian qua, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Nhưng việc lấp “lỗ hổng” của an toàn thông tin mạng vẫn còn bỏ ngõ. Vì vậy, trong một thời gian dài, đã có nhiều hoạt động sử dụng không gian mạng để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kích động chống đối chính quyền; gây chia rẽ, thậm chí xúc phạm tôn giáo, dân tộc; xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác… Những hành vi này gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, Luật ANM là cơ sở để ngăn chặn, xử lý các hành vi nói trên.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cơ quan an ninh sẽ lạm quyền trong khi áp dụng Luật ANM. Về vấn đề này, Trung tướng Hoàng Phước Thuận -  Cục trưởng Cục An ninh mạng - Bộ Công An, khẳng định: Theo quy định của Luật, cơ quan chuyên trách về ANM của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng chỉ giám sát đối với hành vi vi phạm pháp luật khi sử dụng không gian mạng. Nếu cơ quan chuyên trách về ANM lạm dụng nghiệp vụ để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, xâm phạm an ninh quốc gia thì sẽ bị xử lý nghiêm trước pháp luật.

“Việc bày tỏ ý kiến cá nhân mà không vi phạm pháp luật là một hoạt động bình thường. Nhưng sử dụng mạng xã hội thực hiện hành vi gây hại đến an ninh quốc gia, xúc phạm nhân phẩm, tôn giáo, dân tộc, quyền trẻ em… thì bị cấm, bị xử lý theo quy định pháp luật”, Trung tướng Hoàng Phước Thuận nhấn mạnh.

MINH KHÔI

Luật ANM quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm, như: Soạn thảo, đăng tải, tán phát thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; hành vi gián điệp mạng, xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng; tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tôn giáo; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác...

 

.
.
.