.

"Dân vận khéo" trong giải quyết các vụ án

Cập nhật: 16:13, 16/05/2018 (GMT+7)

Thấm nhuần lời dạy của Bác đối với ngành Tòa án: “Xét xử đúng là tốt, nhưng không phải xét xử lại càng tốt hơn…”, TAND tỉnh xác định nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của ngành là phải giảm số lượng án hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán; chú trọng làm tốt công tác “Dân vận khéo” để giải quyết dứt điểm án quá hạn, án tồn động.

TAND tỉnh xét xử một vụ án hình sự.
TAND tỉnh xét xử một vụ án hình sự.

Theo thống kê của TAND tỉnh, từ ngày 1-10-2014 đến hết ngày 1-10-2017, tổng số vụ án bị hủy là 43 vụ. Trong đó, án hình sự 14 vụ, án dân sự 11 vụ, án hành chính 5 vụ, án kinh doanh thương mại 13 vụ. Số vụ án bị sửa là 20 vụ, trong đó án hình sự 15 vụ, dân sự 2 vụ. Số vụ án tồn đọng kéo dài là 53 vụ, trong đó án dân sự 39 vụ, án hôn nhân gia đình 14 vụ.

Nguyên nhân của các vụ án bị hủy, sửa và tồn đọng là do số lượng án tăng cả về số lượng cũng như tính chất phức tạp. Hơn nữa, trong quá trình giải quyết các vụ án, TAND 2 cấp gặp nhiều khó khăn do kết quả của việc đo vẽ, định giá, giám định thuộc thẩm quyền của các cơ quan khác chậm gửi về tòa án; các vụ án có yếu tố nước ngoài thuộc trường hợp phải ủy thác tư pháp, nhưng nguyên đơn không đồng ý nộp tiền tạm ứng chi phí dịch thuật phục vụ cho việc ủy thác tư pháp; một số vụ án qua nhiều lần xét xử nên địa chỉ của các đương sự có nhiều thay đổi, gây khó khăn cho việc tống đạt các văn bản tố tụng…

Theo Chánh án Nguyễn Văn Hiến, Bí thư Đảng ủy TAND tỉnh, nắm được nguyên nhân của án bị hủy, án quá hạn, án tồn đọng, thời gian qua, ngành TAND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục, cụ thể: Đối với những bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán, của HĐXX gây thiệt hại nghiêm trọng tới lợi ích của Nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, gây bất bình trong dư luận thì phải tổ chức ngay việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm để có biện pháp xử lý nghiêm khắc. Riêng đối với các vụ án về tham nhũng mà có bị cáo được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ, thì Tòa án đã xét xử phải gửi bản án cho Ban Nội chính Tỉnh ủy nhằm bảo đảm giám sát chặt chẽ công tác xét xử đối với loại tội phạm này. Đối với những thẩm phán có tỷ lệ án bị hủy, sửa nhiều do lỗi chủ quan, hoặc cho bị cáo hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật thì đều phải kiểm điểm trách nhiệm và tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của sai sót để xem xét áp dụng các hình thức kỷ luật tương xứng. 

Chánh án Nguyễn Văn Hiến cho biết thêm, thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, TAND tỉnh chú trọng làm tốt công tác “Dân vận khéo” để khắc phục án tồn đọng. Trong quá trình giải quyết các loại án, thẩm phán, thư ký tòa án luôn xây dựng kế hoạch làm việc chủ động, khoa học, nghiên cứu kỹ từng tình tiết vụ án để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các bên đương sự. Với vai trò là trung gian, thẩm phán giải thích rõ các quy định pháp luật khi thực hiện thủ tục hòa giải, giúp người dân hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp của mình. Đồng thời, TAND tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức; thường xuyên tiến hành việc kiểm điểm trách nhiệm đối với thẩm phán về các sai sót trong hoạt động xét xử; tiếp tục thực hiện chủ trương kiểm điểm các thẩm phán có tỷ lệ án bị hủy, sửa cao (hơn 1,16% trên tổng số vụ án đã xét xử).

Trong thời gian tạm dừng việc tái bổ nhiệm thì áp dụng biện pháp cho đào tạo, bồi dưỡng lại. Đối với những thẩm phán có tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan trên 3% hay có bản án có sai lầm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của đương sự thì phải bị tạm đình chỉ xét xử để kiểm điểm trách nhiệm.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

 
.
.
.