.

Một số chính sách có hiệu lực từ tháng 4-2008

Cập nhật: 18:09, 02/04/2018 (GMT+7)

Rút tiền mặt từ 100 triệu đồng trở lên phải đăng ký trước với kho bạc 

Thông tư số 13/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định việc quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) có hiệu lực từ 1-4. 

Theo đó, các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) có nhu cầu rút tiền mặt trong một ngày (một hoặc nhiều lần thanh toán) vượt mức quy định dưới đây phải đăng ký với KBNN nơi mở tài khoản trước ít nhất một ngày làm việc về số lượng và thời điểm rút tiền để KBNN có kế hoạch chuẩn bị và cung ứng tiền mặt đầy đủ, kịp thời cho đơn vị sử dụng NSNN.

Cụ thể, mức rút tiền mặt phải đăng ký với KBNN từ 200 triệu đồng trở lên đối với các đơn vị sử dụng NSNN thực hiện giao dịch với KBNN cấp tỉnh; Từ 100 triệu đồng trở lên đối với các đơn vị sử dụng NSNN thực hiện giao dịch với KBNN cấp huyện.

Các đơn vị sử dụng NSNN đăng ký nhu cầu rút tiền mặt cho từng ngày thanh toán hoặc đăng ký cho nhiều ngày thanh toán khác nhau, nhưng phải nêu rõ số lượng và thời điểm rút tiền mặt tại từng ngày thanh toán. Việc đăng ký rút tiền mặt với với KBNN được thực hiện theo các hình thức đăng ký bằng văn bản với KBNN,  đăng ký qua điện thoại với cán bộ có thẩm quyền của KBNN nơi giao dịch, đăng ký qua dịch vụ công trên Cổng thông tin KBNN.

Thêm đối tượng được tuyển thẳng vào đại học

Thông tư số 07/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo “sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy”, có hiệu lực thi hành từ ngày 16-4. Theo đó, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 (một điểm), giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 (một phần tư điểm) tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10. 

Thông tư này cũng sửa đổi, bổ sung thêm đối tượng được xét tuyển thẳng vào các trường đại học đối với người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề khu vực Asean và thi tay nghề quốc tế, nếu có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp, đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của pháp luật thì được tuyển thẳng vào trường để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải. 

Thí sinh năng khiếu nghệ thuật đã tốt nghiệp trung học hoặc tốt nghiệp trung cấp các trường năng khiếu nghệ thuật, đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp chính thức toàn quốc về ca, múa, nhạc, mỹ thuật đã tham dự kỳ thi THPT quốc gia, không có bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống, được trường ưu tiên xét tuyển theo quy định của từng trường.

Những hành vi bị nghiêm cấm tại cơ sở giam giữ trong quân đội 

Bộ Quốc phòng đã ban hành Nội quy cơ sở giam giữ trong Quân đội nhân dân kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BQP, có hiệu lực thi hành từ ngày 30-4. Nội quy này quy định những hành vi bị nghiêm cấm, gồm: 

Vi phạm quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Nội quy cơ sở giam giữ; không chấp hành hoặc cản trở việc chấp hành lệnh, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành tạm giữ, tạm giam; trả thù người phản ánh những hành vi sai trái của mình hoặc của người khác.

Đe dọa, đánh đập, ức hiếp, làm lây nhiễm vi rút HIV cho người khác, cưỡng đoạt tài sản của người khác, hủy hoại thân thể mình, tự xăm trổ hoặc xăm trổ lên thân thể người khác, đeo đồ vật lên cơ thể. Các hình thức đồng tính luyến ái, quan hệ tình dục. Lập hoặc tham gia hội, băng, nhóm dưới bất kỳ hình thức nào. Bói toán, cúng lễ, truyền đạo, các hành vi mê tín, dị đoan, đánh bạc dưới mọi hình thức. Ném, vứt bừa bãi đồ ăn, uống; thuê, bắt ép người khác phục vụ mình. Thực hiện hoặc bao che, dung túng, ủng hộ đối với những âm mưu, hành động nhằm trốn khỏi cơ sở giam giữ. Thông tin sai lệch nhằm kích động người khác gây mất trật tự trong cơ sở giam giữ. Giả vờ ốm, đau hoặc không chấp hành chỉ định, hướng dẫn của cán bộ cơ sở giam giữ và cơ sở khám, chữa bệnh.

Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm cháy, nổ

Ngày 15-4 tới đây, Nghị định số 23/2018/NĐ-CP “Quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc” có hiệu lực thi hành. Theo đó, cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 - 7 - 2014 của Chính phủ) phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ theo quy định pháp luật. Đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, bao gồm: Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; Các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm).

Nghị định nêu rõ các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, gồm: Động đất, núi lửa phun hoặc những biến động khác của thiên nhiên. Thiệt hại do những biến cố về chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội gây ra. Tài sản bị đốt cháy, làm nổ theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tài sản tự lên men hoặc tự tỏa nhiệt; tài sản chịu tác động của một quá trình xử lý có dùng nhiệt. Sét đánh trực tiếp vào tài sản được bảo hiểm nhưng không gây cháy, nổ. Nguyên liệu vũ khí hạt nhân gây cháy, nổ. Máy móc, thiết bị điện hay các bộ phận của thiết bị điện bị thiệt hại do chịu tác động trực tiếp của việc chạy quá tải, quá áp lực, đoản mạch, tự đốt nóng, hồ quang điện, rò điện do bất kỳ nguyên nhân nào, kể cả do sét đánh. Thiệt hại do hành động cố ý gây cháy, nổ của người được bảo hiểm; do cố ý vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy và là nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy, nổ. Thiệt hại đối với dữ liệu, phần mềm và các chương trình máy tính. Thiệt hại do đốt rừng, bụi cây, đồng cỏ, hoặc đốt cháy với mục đích làm sạch đồng ruộng, đất đai.

NHỰT THANH
(Tổng hợp)

 
.
.
.