.
DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THỂ DỤC THỂ THAO:

Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong các hoạt động dịch vụ TDTT

Cập nhật: 19:10, 09/04/2018 (GMT+7)

Chiều 9-4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao (TDTT), đồng chí Dương Minh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị. 

Luật TDTT được Quốc hội khóa XI, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29-11-2006 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2007. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng, nhiều quy định của luật đã không còn phù hợp cần sửa đổi, bổ sung. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT sửa đổi, bổ sung các phạm vi điều chỉnh về TDTT quần chúng; giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; thể thao thành tích cao; thể thao chuyên nghiệp; cơ sở thể thao; nguồn lực phát triển TDTT; đặt cược thể thao; vấn đề bình đẳng giới trong hoạt động TDTT;…

Tại hội nghị, các đại biểu góp ý một số điểm chưa phù hợp, cần nghiên cứu và quy định cụ thể hơn như: Cần bỏ một số cụm từ và bổ sung một số cụm từ tại một số điều; sửa đổi, bổ sung tên gọi một số điều khoản cho phù hợp với thực tiễn; quy định cụ thể hơn đối với các chính sách bình đẳng giới trong TDTT; có chính sách, bảo đảm chế độ cho các vận động viên như một số đối tượng đặc thù khác…

Tại Điều 68 Luật TDTT quy định về điều kiện “đặt cược thể thao” đối với DNTN chưa được chặt chẽ, cần bổ sung quy định cụ thể chức năng của ngành quản lý Nhà nước về mặt hành chính, nâng cao vai trò quản lý của cơ quan Nhà nước trong các hoạt động, dịch vụ TDTT. Sửa đổi, bổ sung Điều 32 Luật TDTT cần quy định thời gian, thời điểm vận động viên thành tích cao được chăm sóc, hỗ trợ do chấn thương. Ngoài ra, vấn đề ưu đãi cho đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo luật còn chung chung, cần quy định cụ thể.

TRÚC GIANG

.
.
.