3 năm, hơn 4.800 vụ án tồn đọng: Còn tình trạng "né" án khó
Thời gian qua, TAND 2 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện) đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết các loại án. Tuy nhiên, án tồn đọng, bị hủy, bị sửa vẫn nhiều. Trong thời gian tới, TAND tỉnh sẽ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử các loại án, phấn đấu kéo giảm án tồn đọng, không để phát sinh án quá hạn.
Một phiên tòa xét xử án hình sự tại TAND tỉnh. |
3 NĂM, TỒN 4.823 VỤ ÁN
Bà Đào Thị Huệ, Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, những năm gần đây, các loại án tăng và tính chất phức tạp. Nếu như năm 2015, TAND 2 cấp chỉ thụ lý 8.206 vụ, việc thì đến năm 2016 đã là 9.098 vụ, việc và đến năm 2017 tăng lên 9.198 vụ, việc. Tổng số án tồn của 3 năm gần đây (2015, 2016 và 2017) là 4.823 vụ, trong đó án hủy và sửa do lỗi chủ quan 187 vụ.
Theo bà Đào Thị Huệ, hiện nay, đội ngũ thẩm phán thiếu, trình độ năng lực và kỹ năng giải quyết, xét xử án của các thẩm phán chưa đồng đều; một số thẩm phán thụ lý vụ phức tạp thì ngại xét xử nên thường vận động đương sự rút đơn khởi kiện để đình chỉ giải quyết vụ án; cũng có thẩm phán e ngại bị hủy án, sửa án sẽ ảnh hưởng đến uy tín. Vì vậy, nhiều vụ án phức tạp lẽ ra phải đưa ra xét xử nhưng lại hòa giải quá nhiều lần, ngâm hồ sơ quá hạn hoặc lấy những lý do không để tạm đình chỉ nhằm kéo dài thời gian giải quyết án.
Theo ông Phạm Trần Hiển, Chánh án TAND huyện Xuyên Mộc, phần lớn các vụ án tồn đọng trên địa bàn liên quan đến lĩnh vực đất đai. TAND huyện Xuyên Mộc lại chưa có thẩm phán chuyên trách để xử lý các vụ, việc trên. Cũng có những vụ án cơ quan Nhà nước quản lý về đất đai trả lời thiếu thống nhất dẫn đến có sự đánh giá khác nhau về chứng cứ khiến nhiều vụ án bị hủy, xét xử lại nên thời gian kéo dài. Một nguyên nhân khác là người dân thiếu hợp tác trong quá trình tòa thụ lý. Đơn cử như vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông Lê Quang D. và bị đơn là ông Bùi Trung H. (cùng trú tại huyện Xuyên Mộc). Vụ này đã phải hoãn xét xử nhiều lần do gia đình bị đơn Bùi Trung H. không hợp tác trong quá trình kê biên, thẩm định và định giá đất. Thậm chí, 3 chiến sĩ công an thực thi nhiệm vụ đã bị con ông H. dùng dao chém gây thương tích.
Cơ quan thi hành án dân sự huyện Tân Thành tổ chức thi hành một bản án dân sự tranh chấp đất đai đã có hiệu lực pháp luật. |
TRIỂN KHAI NHIỀU GIẢI PHÁP XỬ LÝ
Ngày 3-4-2018, TAND tỉnh đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết án, kéo giảm tình trạng án quá hạn luật định, án bị hủy, sửa của ngành tòa án”. Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi kinh nghiệm về giải quyết án, nêu các giải pháp khắc phục tình trạng án tồn đọng.
Là một trong những địa phương có tỷ lệ án dân sự được xử lý với tỷ lệ cao, bà Lý Thị Lệ Thủy, Chánh án TAND TP.Bà Rịa cho biết: Năm 2017, TAND TP.Bà Rịa thụ lý 835 vụ, việc dân sự (hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động…), đã giải quyết xong 725 vụ, việc, trong đó hòa giải thành 397 vụ, việc (đạt tỷ lệ 54,75%). Để có được kết quả trên, lãnh đạo đơn vị khuyến khích các thẩm phán chú trọng công tác hòa giải, đưa ra chỉ tiêu cụ thể cho từng thẩm phán phấn đấu. Cụ thể như, mỗi thẩm phán hòa giải thành 5 vụ án dân sự/tháng sẽ được nêu gương trước tập thể. Về công tác phân án cũng được chánh án nghiên cứu căn cứ vào tính chất vụ án, đối tượng khởi kiện để chọn thẩm phán có đủ năng lực, uy tín, tinh thần trách nhiệm và phải thận trọng, khách quan, vô tư để chủ trì phiên hòa giải.
Thẩm phán Nguyễn Thành Hiếu, Phó Chánh án TAND TP.Vũng Tàu cho rằng, để giải quyết án tồn đọng, án hủy, sửa đòi hỏi thẩm phán phải giỏi về nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ xét xử. Cần tiếp tục nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải xét xử cho các thẩm phán. Bên cạnh đó, phải xây dựng quy trình phối hợp giữa TAND với các cơ quan tư pháp khác, xác định rõ công việc cụ thể cần phối hợp.
Ông Nguyễn Văn Hiến, Chánh án TAND tỉnh cho biết, trong thời gian qua, TAND 2 cấp đã tăng cường tập huấn cho thẩm phán, thư ký và hội thẩm nhân dân bằng nhiều hình thức; thường xuyên rà soát, kiểm tra các vụ án tồn đọng kéo dài, án tạm đình chỉ 2 lần/năm. Qua kiểm tra, chấn chỉnh, TAND cấp huyện đã đẩy nhanh tốc độ giải quyết, xét xử các loại án nên số án tạm đình chỉ giảm còn 60% so với các năm trước. Bên cạnh đó, TAND đã phối hợp với Viện KSND các cấp tổ chức được 18 phiên tòa rút kinh nghiệm nâng cao chất lượng xét xử án… “Trong thời gian tới, TAND 2 cấp tiếp tục duy trì chế độ tự kiểm tra và báo cáo định kỳ đối với các đơn vị trong toàn ngành về các nội dung như các vụ án quá hạn, án tuyên không rõ ràng, phạt tù nhưng cho hưởng án treo không đúng quy định. TAND huyện, thành phố và tòa chuyên trách xây dựng kế hoạch giải quyết án quá hạn trong từng tháng, quý. Đối với thẩm phán có tỷ lệ án bị hủy, sửa, kháng cáo do lỗi chủ quan, án quá hạn… tùy tính chất mức độ sẽ kỷ luật tương xứng. Đối với việc tuyển dụng cán bộ phải đáp ứng được chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất chính trị ngay từ khâu sơ tuyển. Năm 2018, ngành Tòa án tỉnh phấn đấu giải quyết kéo giảm án tồn đọng, không để phát sinh án quá hạn ”, Chánh án Nguyễn Văn Hiến nhấn mạnh.
ĐỒNG CHÍ NGUYỄN HỒNG LĨNH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH: Giám sát đặc biệt đối với những vụ án kéo dài Nhằm giải quyết, xét xử các loại án đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, TAND 2 cấp cần rà soát, phân loại, đánh giá cụ thể từng loại án còn tồn đọng để có kế hoạch tổ chức thực hiện; Chủ động phối hợp với Sở TN-MT, UBND các cấp xây dựng quy chế phối hợp cụ thể, xác định rõ nội dung phối hợp, trách nhiệm phối hợp và thời gian trả lời; Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận và đạo đức nghề nghiệp, trao đổi kinh nghiệm thực thi nhiệm vụ cho thẩm phán, thư ký. Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Pháp chế HĐND tỉnh tăng cường công tác giám sát đặc biệt đối với những vụ án kéo dài do chủ quan, do năng lực yếu, cần xem xét trách nhiệm cán bộ tòa án thụ lý. |
Bài, ảnh: PHƯỚC AN