.

NHỮNG BỘ SƯU TẬP TIÊU BIỂU Ở BẢO TÀNG BÀ RỊA - VŨNG TÀU - Kỳ 9: Bộ sưu tập hiện vật thời kỳ chống Pháp

Cập nhật: 19:07, 10/09/2020 (GMT+7)

Đến Bảo tàng tỉnh, tham quan Bộ sưu tập tư liệu, hiện vật, hình ảnh thời kỳ chống Pháp (1859-1954), du khách phần nào hiểu thêm về truyền thống đấu tranh bất khuất của các thế hệ cha anh.

Tổ hợp trưng bày xưởng quân giới miền Đông Nam Bộ.
Tổ hợp trưng bày xưởng quân giới miền Đông Nam Bộ.

Tổ hợp pháo đài Phước Thắng: Pháo đài được xây dựng dưới triều Nguyễn vào năm Minh Mạng thứ 20 (1820) tại phía bắc Núi Lớn (khu vực di tích Bạch Dinh hiện nay). Tổ hợp trưng bày tái hiện hình ảnh pháo đài theo hình vòng cung. Công trình quân sự này được xây dựng nhằm mục đích bảo vệ vùng biển Vũng Tàu-Cần Giờ-Gia Định. Ngày 10/2/1859 (8 tháng Giêng năm Kỷ Mùi), từ pháo đài Phước Thắng, những loạt đạn thần công của các pháo thủ triều Nguyễn đã đồng loạt nã vào tàu chiến của liên quân Pháp - Tây Ban Nha, mở đầu cho tiếng súng của quân dân Nam Bộ chống thực dân Pháp xâm lược. 

 Tổ hợp này trưng bày các hiện vật: súng thần công Phước Thắng và Minh Đạm (hiện vật phục chế), do Viện Vũ khí chế tạo vào năm 2007 để phục vụ lễ khai hội Văn hóa-Du lịch tỉnh; đạn súng thần công do Pháp sản xuất giữa thế kỷ XIX…

Tổ hợp Đảng lãnh đạo cách mạng BR-VT (1930-1945): Sự ra đời của chi bộ cộng sản đầu tiên ở BR-VT gắn liền với đảng viên cộng sản Hồ Tri Tân. Tháng 2/1934, các đảng viên cộng sản đã họp tại nhà ông Trần Bá Thiên, ấp Hải Trung, xã Phước Hải (Đất Đỏ), nay là khu phố Hải Trung, TT.Phước Hải, huyện Đất Đỏ, thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bà Rịa (nay là tỉnh BR-VT), gồm 3 đảng viên: Trần Văn Cừ (Bí thư), Hồ Tri Tân, Nguyễn Văn Long. Đây là sự kiện lịch sử, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc ở tỉnh BR-VT. Chi bộ đã lãnh đạo và phát triển phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ ở Bà Rịa trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939); đấu tranh chống khủng bố của thực dân Pháp (1939-1941); khôi phục lực lượng, huy động giai cấp nông dân, công nhân, trí thức và các tầng lớp lao động trong tỉnh tham gia chống thực dân và phát xít Nhật (1941-1945). Ngày 23/8/1945, theo chỉ đạo của Xứ ủy Nam kỳ, đồng chí Huỳnh Văn Hớn và đồng chí Dương Bạch Mai về Bà Rịa, chỉ đạo thành lập Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh và chuẩn bị huy động quần chúng nổi dậy giành chính quyền.

Tổ hợp rừng cao su: Tổ hợp thể hiện 3 công nhân cao su đang thực hiện công việc thu hoạch mủ. Để có được những cây cao su xanh tốt, công nhân phải làm việc rất vất vả, chịu sự bóc lột, cúp phạt, đánh đập của chủ, nên người công nhân rất gầy gò và khắc khổ. Nhiều người đã phải bỏ cả mạng sống của mình. Dưới sự lãnh đạo Đảng, nhiều cuộc biểu tình của công nhân đã nổ ra đòi cải thiện đời sống dân sinh, giảm ngày làm, tăng lương.

Tổ hợp xưởng quân giới miền Đông Nam Bộ: Tái hiện một phần xưởng chế tạo, sản xuất vũ khí tự tạo và sửa chữa các loại súng bộ binh phục vụ quân chủ lực trên chiến trường Đông Nam Bộ. Xưởng được tái hiện lại bằng gỗ, xung quanh có các phên tre, mái được lợp bằng lá trung quân. Tượng các chiến sĩ công binh đang thực hiện các công đoạn chế tạo vũ khí phục vụ chiến đấu. Bên ngoài xưởng trưng bày các hiện vật (phục chế) như: máy gia công khương tuyến súng ngắn, súng tiểu liên; súng SSBL-81; đạn lõm SSBL-145; mìn phá rào 1,2 ly… đặc biệt là súng DKZ, sử dụng bắn chìm tàu địch trên sông Lòng Tàu, chiến công làm nức lòng quân dân BR-VT thời kỳ chống Pháp… 

Tổ hợp Căn cứ Minh Đạm: Bức phù điêu được làm bằng chất liệu gò đồng dập nổi, thể hiện rõ về hoạt động của căn cứ. Phía trên phù điêu là lá cờ đỏ sao vàng và cờ đỏ búa liềm, thể hiện cho sự lãnh đạo của Đảng. Lá cờ cũng có ý nghĩa ghi dấu núi Minh Đạm là nơi cắm lá cờ đầu tiên của Đảng trên đỉnh Chóp Mao năm 1933.

Tổ hợp pháo đài Phước Thắng mô tả cuộc chiến không cân sức nhưng đầy quả cảm của quân đội nhà Nguyễn với liên quân Pháp-Tây Ban Nha.
Tổ hợp pháo đài Phước Thắng mô tả cuộc chiến không cân sức nhưng đầy quả cảm của quân đội nhà Nguyễn với liên quân Pháp-Tây Ban Nha.

Tổ hợp Căn cứ cách mạng Núi Dinh: Nổi bật là bức phù điêu được làm bằng chất liệu gò đồng dập nổi, thể hiện rõ về cuộc kháng chiến chống Mỹ toàn dân, toàn diện của quân và dân BR-VT. Phía trên bức phù điêu khắc lá cờ đỏ sao vàng và cờ đỏ búa liềm tượng trưng cho sự lãnh đạo của Đảng với cuộc kháng chiến. Xen lẫn trong rừng cây là các lực lượng vũ trang đang chiến đấu và trung tâm bức phù điêu là Ban chỉ huy đang họp bàn về các kế hoạch tác chiến.  

Ngoài ra, nơi đây còn trưng bày nhiều hình ảnh tư liệu về các trận đánh và một số nhân vật tiêu biểu thời kỳ này: tiêu diệt bốt Bến Đá (Long Sơn); Dốc Cây Cám (Láng Dài - Đất Đỏ); Ấp Đông, địa đạo Long Phước; Trung tâm An dưỡng quân đội Pháp (khu Lam Sơn, TP. Vũng Tàu); chống càn căn cứ Xuyên Phước Cơ (Xuyên Mộc), đồn Nhà náy nước (Vũng Tàu) và những gương anh hùng liệt sĩ tiêu biểu: Võ Ngọc Chấn, Lê Thành Duy, Dương Bạch Mai, Dương Văn Mạnh, Võ Thị Sáu…   

NGUYỄN TÂM

.
.
.