Kỳ 6: Đời sống văn hóa cộng đồng qua những bộ sưu tập
Vùng đất BR-VT là nơi hội tụ của các cư dân người Việt từ khắp mọi miền đất nước về sinh sống, lập nghiệp. Theo đó, đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân BR-VT cũng rất phong phú, đa dạng. Tham quan gian trưng bày đời sống văn hóa cộng đồng ở BR-VT tại Bảo tàng tỉnh, du khách sẽ thêm hiểu hơn về vùng đất, con người nơi đây.
Bộ sưu tập nhạc lễ trong văn hóa cộng đồng BR-VT. |
Bước vào khu trưng bày này, khách dễ dàng nhận ra tín ngưỡng dân gian khá đa dạng của người dân BR-VT. Ở đây có cả tín ngưỡng thờ Thành hoàng bổn cảnh tại các đình; tín ngưỡng thờ Ngũ hành nương nương, Thủy Long thần nữ, Cá Ông ở các miếu, thờ Cô ở các dinh… Bên cạnh đó, hình ảnh các lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức tại các đình làng: Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam (TP. Vũng Tàu), Long Hải (Long Điền), Phước Hải (Đất Đỏ), Phước Lễ, Long Hương (TP. Bà Rịa), lễ hội Nghinh Ông (huyện Đất Đỏ và TP. Vũng Tàu), lễ hội Dinh Cô (huyện Long Điền), lễ Trùng Cửu (tín ngưỡng ông Trần, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) cũng được trưng bày tại đây.
TỔ HỢP TRƯNG BÀY ĐỜN CA TÀI TỬ
Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đặc trưng của Nam Bộ, được hình thành khoảng cuối thế kỷ XIX và hiện nay phổ biến ở 21 tỉnh, thành phía Nam, trong đó có tỉnh BR-VT. Loại hình nghệ thuật này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Không gian thể hiện tổ hợp một nhà chòi khung tre, mái lợp tranh, phía sau là một hồ sen rộng khiến người xem liên tưởng đến di tích thắng cảnh Bàu Thành (huyện Long Điền) vào cuối thế kỷ XX - vùng đất trung tâm của xứ Mô Xoài xưa cách đây gần 400 năm. Tổ hợp là nhóm ma nơ canh mô phỏng 4 nhạc công và 1 ca sĩ gọi là ban nhạc ngũ nguyệt. Ban nhạc ngồi trên giường bằng tre, mỗi người chơi một loại nhạc cụ: đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu (huyền cầm) và đàn cò (đàn nhị). Ngồi chính giữa là đào nương đang ca. Trang phục của các nghệ nhân đờn ca tài tử thể hiện con người của BR-VT vào thời cận đại với bộ quần áo bà ba màu sẫm.
Đến đây, du khách có thể lắng nghe những bản nhạc truyền thống của đàn ca tài tử trong buổi gặp nhau của các tay đờn và ca nương với các điệu tiêu biểu: xuân tình, xàng xê, khốc hoàng thiên, tứ đại oán, nam ai, lý con sáo…
BỘ SƯU TẬP HIỆN VẬT NHẠC LỄ DÂN GIAN
Sử dụng trong dàn nhạc cung đình, miễu trong lễ hội truyền thống. Bộ sưu tập gồm: trống cái, sử dụng trong dịp cúng lễ kỳ yên, khi chánh lễ khởi cổ (đánh trống), người phụ lễ dùng dùi đánh 3 hồi 9 tiếng. Tiếng trống trầm, vang xa, tạo nên không khí trang nghiêm, khí thế của buổi lễ cúng đình. Chiêng sử dụng trong cúng lễ kỳ yên được đánh sau lệnh khởi cổ. Trống chầu là loại nhạc cụ gõ có dạng hình tròn, âm thanh trống chầu nghe vui, cao, lảnh lót, hơi đanh nhưng gọn tiếng, phục vụ trong buổi tế lễ cúng đình. Trống cơm có 2 mặt hình tròn bằng nhau. Âm thanh trống cơm vang nhưng mờ đục, diễn tả tình cảm buồn, sâu sắc. Thanh la là một nhạc cụ thuộc họ tự thân vang còn gọi là đẩu. Mặt là trung tâm phát âm, thành là trung tâm nhân to tiếng… Chũm chọe là một nhạc khí tự thân vang khi đánh, hai tay cầm hai núm, dập hai mặt vào nhau. Đàn gáo là loại đàn được sử dụng chung với đàn cò trong dàn nhạc lễ. Âm thanh đàn gáo trầm, ấm và sâu lắng hơn đàn cò.
Các gian trưng bày đã tái hiện không gian sống động, mô tả đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân người Việt trên vùng đất BR-VT. Những hình ảnh, hiện vật được sắp xếp công phu, như câu chuyện kể về đời sống tinh thần phong phú, đa dạng của ông cha ta thuở trước.
NGUYỄN VĂN
(Còn nữa)