Kỳ 3: Bộ sưu tập khảo cổ học thời Tiền sử và Sơ sử
Hệ thống di chỉ khảo cổ học thời Tiền sử và Sơ sử của BR-VT được phân bố trên một không gian rộng lớn, đa dạng gồm cả ở đất liền, ven biển và hải đảo. Nhiều công cụ có chất liệu bằng gốm, đá, xương, vỏ nhuyễn thể, kim loại có niên đại cách ngày nay từ 2.000 đến 3.000 năm.
Chiếc mặt nạ điêu khắc đá phát hiện tại di chỉ khảo cổ cồn An Hải (huyện Côn Đảo). |
Bộ sưu tập gốm cổ
Những hiện vật này do cư dân cổ sản xuất tại chỗ, nguyên liệu chủ yếu là đất sét, được nặn bằng tay và nung ở nhiệt độ từ 800-1.0000C. Bộ sưu tập gồm các loại nồi, hũ, cốc, bát bồng, bình… dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Hoa văn trang trí trên gốm khá đa dạng: Các dải băng hoa văn khắc vạch hình chữ S hoặc hình sóng nước cách điệu, hình hoa, hình tam giác, tam giác trong hình tứ giác...
Tại di chỉ Giồng Lớn, Long Sơn, TP. Vũng Tàu, các nhà khảo cổ phát hiện chiếc bình gốm, trên nắp trang trí hình động vật rất sống động. Đặc biệt, có loại hình chỉ sản xuất để chôn theo người chết (đồ minh khí) đó là bếp lò, được phát hiện tại di chỉ khảo cổ Gò Cây Me (xã Tân Hòa, TX. Phú Mỹ). Tại nhiều di chỉ khảo cổ trên đầm lầy cổ ở Bưng Bạc, Bưng Thơm, phát hiện dọi se chỉ và bi gốm, là những hiện vật gắn liền với nghề se sợi, dệt vải thủ công của cư dân cổ.
Bộ sưu tập công cụ đá
Đây là loại hình chiếm số lượng lớn trong tổ hợp trưng bày thời kỳ Tiền sử và Sơ sử gồm: rìu, đục, các loại bàn mài, hòn ghè, các loại khuôn đúc rìu đồng... Tại tủ trưng bày dưới bản đồ khảo cổ học ở Bảo tàng tỉnh có giới thiệu 2 tiêu bản độc đáo là những bàn mài hình ô van, có khoan lỗ ở giữa, có thể dùng dây đeo trên cổ, mỗi lần sử dụng rất thuận lợi.
Tại di chỉ cư trú cồn An Hải (huyện Côn Đảo), các nhà khảo cổ học đã phát hiện một mặt nạ điêu khắc đá của những người cổ cư trú tại đây. Tác phẩm có kích thước rộng 5cm, dài 8cm, được chế tác từ sa thạch, một loại đá tự nhiên khai thác từ núi đá hoa cương sẵn có trên đảo. Đây thực sự là một tác phẩm nghệ thuật bằng sa thạch của người cổ lần đầu tiên, duy nhất phát hiện tại di tích khảo cổ cư trú cồn An Hải (huyện Côn Đảo) đến nay.
Bộ sưu tập đồ xương
Phần lớn được phát hiện tại di chỉ khảo cổ Gò Cây Me với 26 tiêu bản, gồm các loại hình công cụ sản xuất, trong đó chiếm chủ đạo là các loại mũi nhọn hai đầu hay hiện vật xương giống như một mũi lao có ngạnh. Đồ xương tại di tích này có nhiều nét tương đồng với đồ xương ở di chỉ Rạch Núi (Cần Giuộc - Long An). Bên cạnh đó, tại di chỉ Hòn Cau (huyện Côn Đảo), các nhà khảo cổ phát hiện hàng loạt công cụ chế tác từ xương…
Bộ sưu tập đồ đồng
Xuất hiện khá nhiều tại di tích Bưng Bạc (xã Long Phước, TP. Bà Rịa), tiêu biểu cho loại hình này là lưỡi rìu. Việc phát hiện lưỡi rìu đồng bên cạnh các công cụ đá cho thấy sự phát triển vượt bậc về kỹ thuật cũng như về giao lưu kinh tế của cư dân cổ thời tiền-sơ sử thời bấy giờ.
Bộ sưu tập đồ sắt
Những công cụ gồm đục, dao, giáo, lưỡi kiếm được phát hiện trong mộ đất tại di chỉ Giồng Lớn (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu). Đây là những sản phẩm được đúc tại chỗ, có niên đại cách ngày nay khoảng hơn 2.000 năm, thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh.
Bộ sưu tập trang sức
Hầu hết xuất hiện tại các di chỉ cư trú, mộ táng. Loại hình tiêu biểu là vòng đeo, được chế tác từ nguyên liệu đá. Tại di chỉ Bưng Bạc, các nhà khảo cổ phát hiện công xưởng chế tác theo quy trình khép kín, từ đá phác thảo hình đĩa, khoan tách lõi, mài hoàn chỉnh sản phẩm… Ngoài vòng đeo tay bằng đá mỹ nghệ, cư dân tại đây còn đúc thêm cả vòng đeo tay, lục lạc bằng đồng. Tại di chỉ Giồng Lớn, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều loại hình trang sức được chôn theo người chết, tiêu biểu là vòng đeo tay bằng đá quý và một số chuỗi hạt đeo tay, đeo cổ bằng thủy tinh, khuyên tai bằng kim loại màu vàng…
Khách tham quan trưng bày khảo cổ học tiền sơ sử, tại Bảo tàng tỉnh. |
NGUYỄN DUYÊN TÂM