Phát triển bền vững nghề nuôi ong lấy mật
Tận dụng lợi thế diện tích rừng, cộng với các vườn cây công nghiệp, cây ăn trái như: cà phê, nhãn, cam, bưởi..., người dân ở Xuyên Mộc và Châu Đức đã chú trọng phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, cần phải có các giải pháp về thị trường tiêu thụ cũng như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mật ong.
Anh Lê Thanh Quyết kiểm tra mật tại trang trại nuôi ong. |
Dưới tán rừng cao su rộng hàng chục ha tại ấp 4, xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc), anh Lê Thanh Quyết, chủ một trang trại nuôi ong đảo một vòng thăm những thùng nuôi ong đặt dưới hàng cây. Lật một chiếc khung cầu lên, hàng ngàn con ong bám đầy, phía dưới những giọt mật màu vàng óng trong những lớp sáp trông rất ngon mắt. Theo anh Quyết, nghề nuôi ong rất công phu và phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nếu trời mưa quá nhiều mật sẽ lỏng, nắng quá gắt thì mật lại sánh quá khó vắt. Mật ngon phải có màu vàng nhạt, sóng sánh, có vị ngọt thanh chứ không ngọt gắt như đường và có hương thơm của hoa phấn tự nhiên. “Với giá bán 100-150 ngàn đồng/lít. Trừ các khoản chi phí mua giống, mua thức ăn, công cho thợ, mỗi năm tôi thu lãi khoảng hơn 200 triệu đồng từ trại ong”, anh Quyết nói.
Không chỉ nuôi ong lấy mật thông thường, nhiều trang trại còn đầu tư máy móc, công nghệ để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, cạnh tranh với các thương hiệu mật ong trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Công ty TNHH Sản xuất -Thương mại-Dịch vụ Hạnh Phúc Organic (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) có 12 trang trại nuôi ong lấy mật bằng phương pháp hữu cơ. Chị Đỗ Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc công ty cho biết, quy trình nuôi ong lấy mật bằng phương pháp tự nhiên hữu cơ nghĩa là, ong được nuôi trong vườn hoa cà phê, vườn tràm rồi đem về nhả mật chứ không cho ong ăn đường như những khu nuôi ong khác nên mật ong Hạnh Phúc hoàn toàn tự nhiên, nguyên chất. Từ mật ong thu được, công ty sơ chế và đóng chai. Ngoài ra, Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ Hạnh Phúc Ogarnic còn sản xuất cả viên nang từ sữa ong chúa nguyên chất được người tiêu dùng phản hồi tốt. Đến nay, sản phẩm mang thương hiệu mật ong Hạnh Phúc của Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ Hạnh Phúc đã được phân phối tại nhiều nơi với sản lượng tiêu thụ gần 1 tấn mật ong/năm và 1 tạ sữa ong chúa tươi/năm.
Tại cơ sở sản xuất mật ong Anh Tiến (thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức), quy trình sản xuất được thực hiện khép kín. Mật ong nguyên liệu được trải qua quá trình kiểm tra chất lượng, sau đó đưa vào các bồn và xử lý tách nước, khử khuẩn, nấm men, nấm mốc đạt các tiêu chuẩn để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Ông Nguyễn Minh Tiến, chủ cơ sở mật ong Anh Tiến cho biết, cơ sở đã áp dụng sản xuất theo quy trình HACCP và thực hiện truy xuất nguồn gốc, sản phẩm đã xuất khẩu đi Nhật, Mỹ và một số nước châu Âu với sản lượng khoảng 40 container/năm (tương đương 700 tấn). Ngoài ra, mỗi năm cơ sở tiêu thụ khoảng 60 tấn sản phẩm tại thị trường nội địa. Theo ông Tiến, để mật ong đạt chất lượng, ngoài việc đầu tư máy móc, công nghệ, cách làm của công ty là liên kết 40 hộ nông dân sản xuất mật ong theo một quy trình chuẩn dưới sự giám sát của cơ sở, có ghi rõ nhật ký về thời gian cho ong ăn, loại thức ăn, thời gian thu hoạch. Cơ sở hỗ trợ về vốn sản xuất và cam kết thu mua sản phẩm. Do đó, nông dân không còn lo lắng về đầu ra, cơ sở sản xuất mật ong chủ động được nguồn sản phẩm có chất lượng cao.
Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 150 hộ nuôi với khoảng 6 ngàn đàn ong mật, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Châu Đức và Xuyên Mộc. Theo đánh giá của ngành NN-PTNT, huyện Xuyên Mộc và Châu Đức có nhiều lợi thế phát triển nghề nuôi ong bởi 2 huyện này có nhiều tràm, cao su và các loại cây công nghiệp như: điều, cà phê,... để ong có thể hút mật hoa và cho mật ngon, chất lượng mật tốt, màu mật đẹp. Theo Sở NN-PTNT, để nuôi ong lấy mật trở thành một nghề bền vững, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi ong, phòng trị bệnh và ký sinh trên ong… cho người nuôi. Đồng thời, có giải pháp để giúp người nuôi ong nhập khẩu được con giống chuẩn, bảo đảm chất lượng.
Bài, ảnh: QUANG VŨ