.
NHỮNG BỘ SƯU TẬP TIÊU BIỂU Ở BẢO TÀNG BR-VT

Kỳ 1: Phong phú, đa dạng về tài nguyên, thiên nhiên

Cập nhật: 17:52, 30/08/2020 (GMT+7)

Trung tuần tháng 7/2020, Bảo tàng tỉnh BR-VT (04, Trần Phú, phường 1, TP. Vũng Tàu) đã được khai trương, mở cửa đón khách. Gần 3.000 hiện vật gốc và hình ảnh tiêu biểu được trưng bày tại Bảo tàng đã phản ánh khái quát những nét đặc trưng về lịch sử thiên nhiên và con người BR-VT theo các tổ hợp: Đất nước và con người; thời tiền-sơ sử; thời kỳ mở đất Mô Xoài thế kỷ XVII; quân và dân BR-VT trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; BR-VT từ 1975 đến nay; những bộ sưu tập cổ vật vớt từ vùng biển BR-VT. 

Kỳ 1: Phong phú, đa dạng về tài nguyên, thiên nhiên 

Đến Bảo tàng tỉnh BR-VT, khách tham quan như lạc vào không gian mê hoặc của cảnh quan biển và rừng qua những tổ hợp tái hiện sinh động về Vườn quốc gia Côn Đảo, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.

Khách xem sa bàn giới thiệu về BR-VT tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: CẨM NHUNG
Khách xem sa bàn giới thiệu về BR-VT tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: CẨM NHUNG

Mở đầu gian trưng bày là cảnh quan đa dạng sinh học biển Côn Đảo. Nổi bật phía trên tổ hợp là biển trời xanh trong, xa xa là khung cảnh của đảo Hòn Bà (Côn Sơn nhỏ) với đỉnh núi Tình Yêu cao hơn 300m, soi bóng xuống mặt vịnh Họng Đầm yên bình. Tổ hợp thể hiện nhiều loài sinh vật biển cư trú tại Côn Đảo gồm sinh vật tầng trên mặt nước, giữa mặt nước và rạn san hô với các loại san hô, cá mú, rùa biển, đồi mồi, dugon, một số loài cỏ biển đặc trưng. Để du khách có thêm trải nghiệm sinh động về tài nguyên thiên nhiên Côn Đảo, Bảo tàng giới thiệu tiêu bản một cá thể dugon được bảo quản lâu dài trong tủ kính, cùng nhiều loài ốc biển, trong đó có ốc giác là loài ốc quý hiếm, dùng để cẩn tranh sơn mài. 

Kế tiếp là tiểu cảnh rừng ngập mặn ven biển tại Côn Đảo. Tiểu cảnh này tái hiện một phần khu rừng ngập mặn ven biển dưới chân ngọn hải đăng hòn Bảy Cạnh (được xây dựng vào năm 1885), tiêu biểu cho loài thực vật nơi đây là cây đước xanh. 

Rời gian trưng bày của Vườn quốc gia Côn Đảo, du khách đến phần trưng bày Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc). Đây là khu rừng đặc dụng ven biển, có vai trò phòng hộ, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái trên vùng đất cát ven biển, bảo vệ các nguồn gen của những loài động, thực vật quý hiếm. Phần trưng bày này gồm 3 tiểu cảnh: Rừng suối nước nóng Bình Châu do bác sĩ Sallet người Pháp phát hiện vào năm 1928. Tại đây có đến 70 điểm phun trào với những dòng chảy liên tục, nhiệt độ nước từ 40-800C. Nguồn nước xuất lộ theo dải dài 150m, rộng 80m trong khu vực đầm lầy rất tốt để điều trị các bệnh về hệ thần kinh, thấp khớp, bệnh ngoài da mạch máu và nhiễm độc. Phần thứ hai là khu rừng nguyên sinh ven biển với nhiều tầng cây sinh trưởng, tiêu biểu như bằng lăng, dầu cát, kơ-nia, cẩm thị… cùng một số động vật điển hình là công, chồn bay, sóc, mèo rừng, báo gấm, hoẵng… Rừng tràm ngập nước ngọt là dạng sinh thái độc đáo tại khu vực ven biển. 

Nói đến thiên nhiên BR-VT không thể không nhắc đến tài nguyên khoáng sản. Phần trưng bày này giới thiệu khoáng sản dầu khí với một số mẫu đá chứa dầu tìm thấy tại vùng biển BR-VT trong quá trình thăm dò tìm kiếm tại mỏ Bạch Hổ, mỏ Rồng… Đó còn là các loại đá, đất sét, cát trên đất liền ở các địa phương trong tỉnh, là nguyên liệu cho ngành công nghiệp xây dựng như: cát thủy tinh Bình Châu, đá hoa cương và nghề chế tác đá mỹ nghệ Phú Mỹ, gạch Mỹ Xuân, đá thạch anh...

Đến tham quan Bảo tàng BR-VT, anh Lê Văn Chinh (quê Thái Bình) bày tỏ: “Tôi rất ấn tượng với các tổ hợp trưng bày của Bảo tàng BR-VT. Các nội dung trưng bày được phân chia thành nhiều chủ đề, giúp người xem hiểu thêm về lịch sử vùng đất, con người cũng như thế mạnh của địa phương”. Em Ngọc Trân (HS lớp 10, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, TP. Vũng Tàu hào hứng cho biết: “Qua chủ đề trưng bày về tài nguyên thiên nhiên, em thấy biển Côn Đảo và rừng Bình Châu-Phước Bửu hiện lên sinh động, hấp dẫn. Em đã từng được ba mẹ cho đến tham quan thực tế các nơi này, nhưng khi xem tổng quan ở bảo tàng mới thấy hết sự đa dạng của thiên nhiên. Qua đó, em càng thêm yêu và tự hào về quê hương BR-VT”.

NGUYỄN DUYÊN
(Còn nữa)

 

.
.
.