.

NHỮNG TRẬN ĐÁNH CỦA QUÂN VÀ DÂN BR-VT TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP: Cuộc tập kích Trung tâm An dưỡng của sĩ quan Pháp ở Vũng Tàu

Cập nhật: 19:01, 17/08/2020 (GMT+7)

Trung tâm An dưỡng sĩ quan Pháp tọa lạc dưới chân Núi Lớn, Vũng Tàu, thuộc khu vực khách sạn Lam Sơn hiện nay. Tháng 7/1952, lực lượng vũ trang kháng chiến Vũng Tàu đã tập kích trung tâm này, tiêu diệt nhiều sĩ quan Pháp, trong đó có cả những sĩ quan trung, cao cấp của địch.

Khách sạn Lam Sơn Vũng Tàu hiện nay.
Khách sạn Lam Sơn Vũng Tàu hiện nay.

Sau khi trở lại xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp âm mưu biến Vũng Tàu  thành căn cứ quân sự, đồng thời là nơi an dưỡng cho sĩ quan từng tham gia các cuộc hành quân càn quét, gây nhiều tội ác với đồng bào ta. Tại vị trí khách sạn A, B, C khu Lam Sơn ngày nay, chúng gấp rút xây dựng Trung tâm An dưỡng của sĩ quan Pháp, còn gọi là Trung tâm An dưỡng Võ Biền (Centre de Repos  FFVS) nằm sát chân Núi Lớn. Đây là nơi dành riêng cho sĩ quan người Pháp từ các chiến trường phía Nam về nghỉ ngơi, an dưỡng.

Dựa lưng vào Núi Lớn, Trung tâm An dưỡng Võ Biền quay mặt ra biển, phía Bắc là một đồn lính túc trực, bảo vệ, phía Đông là Trung tâm truyền tin của quân đội viễn chinh Pháp. Nằm giữa trung tâm thị xã Cấp (thị xã Cấp chỉ bao gồm khu vực nội thị Vũng Tàu), nơi bố trí dày đặc đồn bốt, cảnh sát, mật vụ, cùng nhiều đơn vị tác chiến thuộc các binh chủng khác nhau, Trung tâm An dưỡng Võ Biền được coi là tuyệt đối an toàn, lực lượng kháng chiến không đủ khả năng tiến công tập kích.

Vậy nhưng, với phương châm táo bạo, bí mật, bất ngờ, đánh vào nơi hiểm yếu nhất của giặc, lực lượng vũ trang kháng chiến Vũng Tàu đã hạ quyết tâm tập kích, tiến công Trung tâm này. Để chuẩn bị cho trận đánh, lực lượng Công an Xung phong thị xã Cấp đã cài cắm nhiều cơ sở bí mật tại đây như anh Nguyễn Văn Tho làm bồi bàn, anh Nguyễn Văn Thư làm bồi bếp, anh Lê Minh Hoàng làm thợ hớt tóc, anh Lê Văn Báu, vợ chồng ông Quảng, bà Khuê làm nhân viên dọn phòng.

Sau nhiều ngày trinh sát, được cơ sở nội tuyến cung cấp thông tin, vẽ sơ đồ chi tiết Trung tâm An dưỡng Võ Biền, Thị đội Cấp đã hoàn thành phương án tác chiến. Ông Lương Văn Nho, Tỉnh đội phó, kiêm Tham mưu trưởng Tỉnh đội Bà Rịa-Chợ Lớn (bao gồm tỉnh BR-VT ngày nay) đã góp ý kiến và phê duyệt phương án tác chiến. Lực lượng tham gia trận tập kích Trung tâm An dưỡng Võ Biền gồm có Biệt động đội trực thuộc Thị đội Cấp, Công an thị xã Cấp và Công an Xung phong huyện Vũng Tàu. Trước khi chính thức bước vào trận đánh, các lực lượng tham gia trận tập kích đã lập sa bàn và giả định các tình huống để thực tập 3 ngày tại căn cứ kháng chiến ở Phú Mỹ.

Đêm 20/7/1952, lực lượng tham gia trận đánh tập kết ở căn cứ Bà Trao-Núi Nứa rồi xuống ghe bí mật đổ bộ lên Bãi Dâu để ém quân trên Núi Lớn. Ngày hôm sau, đúng 19 giờ 30 phút (21/7/1952), quân chia làm 2 mũi tiếp cận Trung tâm An dưỡng Võ Biền. Mũi thứ nhất bố trí một bộ phận án ngữ đường vòng dưới chân Núi Lớn, sẵn sàng chặn đánh lực lượng ứng cứu của địch từ bên ngoài. Một tổ chiến đấu sử dụng hỏa lực trung liên đặt ở điểm cao, khống chế khu vực chung quanh mục tiêu, hỗ trợ cho lực lượng tập kích thọc sâu rút lui an toàn khi địch tổ chức phản kích.

Biệt động đội được bổ sung 2 chiến sĩ công an xung phong là Phạm Văn Tám và Nguyễn Văn Ba tham gia mũi tiến công thọc sâu, đột nhập Trung tâm An dưỡng Võ Biền từ cửa sau. Được sự hướng dẫn của cơ sở nội tuyến, các chiến sĩ biệt động đội xông vào từng phòng ngủ của sĩ quan Pháp xả súng, ném lựu đạn, tiêu diệt quân địch.

Bị tấn công bất ngờ, bọn sĩ quan Pháp không kịp chạy trốn, hoảng sợ la thét. Trong 15 phút chiến đấu, lực lượng vũ trang kháng chiến đã tiêu diệt toàn bộ số sĩ quan Pháp tại Trung tâm An dưỡng Võ Biền, sau đó nhanh chóng di chuyển đến địa điểm tập kết, xuống ghe rút về căn cứ Bà Trao-Núi Nứa an toàn.

Trận tập kích tiến công Trung tâm An dưỡng Võ Biền của lực lượng kháng chiến Vũng Tàu là trận đánh đạt hiệu quả chiến đấu cao, bảo đảm yếu tố mưu trí, dũng mãnh, bí mật, bất ngờ, gây tiếng vang lớn ở Nam Bộ cũng như toàn Đông Dương. Theo các tờ báo lớn ở Sài Gòn bấy giờ, trận tập kích của lực lượng vũ trang kháng chiến đã tiêu diệt 22 sĩ quan Pháp, trong đó có 1 đại tá, 2 trung tá, 19 sĩ quan cấp thiếu tá và cấp úy.

TRẦN QUANG VINH

.
.
.