.
NHỮNG TRẬN ĐÁNH CỦA QUÂN VÀ DÂN BR-VT TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP

Tập kích sào huyệt mật thám Pháp ở Vũng Tàu

Cập nhật: 18:36, 16/08/2020 (GMT+7)

Văn phòng Chánh mật thám Liên bang của thực dân Pháp ở Vũng Tàu đặt tại khu vực ngã tư đường Trần Hưng Đạo-Trương Công Định hiện nay. Tháng 2/1952 lực lượng vũ trang kháng chiến Vũng Tàu đã tổ chức tập kích sào huyệt của những tên mật thám ác ôn khét tiếng này.

Công viên Trần Hưng Đạo - khu vực diễn ra trận tập kích Văn phòng Chánh mật thám Liên bang của quân Pháp ở Vũng Tàu năm 1952.
Công viên Trần Hưng Đạo - khu vực diễn ra trận tập kích Văn phòng Chánh mật thám Liên bang của quân Pháp ở Vũng Tàu năm 1952.

Giữa năm 1951, hệ thống tổ chức Đảng các cấp ở miền Đông Nam Bộ đã được  sắp xếp, củng cố để phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới. Tỉnh Bà Rịa (bao gồm BR-VT ngày nay) được sáp nhập với Chợ Lớn thành tỉnh Bà Rịa-Chợ Lớn. 

Thực hiện Nghị quyết của Xứ ủy, Tỉnh ủy Bà Rịa-Chợ Lớn tiến hành chấn chỉnh tổ chức Đảng trong các cơ quan, thực hiện chủ trương đưa cán bộ về địa phương bám cơ sở ở vùng địch tạm chiếm và vùng du kích để trực tiếp chỉ đạo phong trào, đẩy mạnh các hoạt động kháng chiến trên các địa bàn.

Tháng 2/1952, Biệt động đội Vũng Tàu kết hợp với Thị đội và Công an Xung phong hoạt động nội ô quyết định tổ chức tập kích Văn phòng Chánh mật thám Liên bang ở Vũng Tàu. Người ta gọi nơi đây là Bốt lính kín, hang ổ của những tên mật thám ác ôn khét tiếng. Chúng thường sục sạo, truy tìm, bắt bớ những người bị nghi ngờ là cơ sở kháng chiến, đưa về giam giữ, tra tấn dã man. 

Nằm ở trung tâm TX. Vũng Tàu, khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo-Trương Công Định hiện nay, Văn phòng Chánh mật thám Liên bang đặt dưới quyền chỉ huy của viên sĩ quan mật thám khét tiếng hung ác tên gọi Sênuýt (Se’nut). Dưới trướng tên mật thám nguy hiểm này còn có nhiều sĩ quan mật thám người Pháp và sĩ quan, binh lính ngụy. Các căn cứ quân sự và đồn bốt địch ở Bãi Trước, Thắng Tam, Bến Đá, Bến Đình… cách Văn phòng Chánh mật thám Liên bang không xa, sẵn sàng điều quân đến ứng cứu nếu bị tiến công. 

Để bảo đảm chắc thắng, lực lượng vũ trang tham gia trận tập kích đã tiến hành trinh sát thực địa và điều tra nghiên cứu quy luật hoạt động của địch. Sau khi được một giao liên từng bị địch bắt và giam giữ tại Văn phòng Chánh mật thám Liên bang cung cấp tin tức và sơ đồ bốt địch, phương án tập kích tiến công Văn phòng Chánh mật thám Liên bang đã được phê duyệt. Chỉ huy Biệt động đội trực tiếp đánh vào hang ổ giặc là ông Trần Ngọc Hiến và ông Nguyễn Văn Thành. Lực lượng Công an Xung phong do ông Trần Văn Vọng chỉ huy làm nhiệm vụ đánh chặn quân cứu viện của địch từ hướng Thắng Tam và Bãi Trước tiến vào. 

Đúng ngày giờ đã định, Biệt động đội chia làm hai mũi bắt đầu xuất kích. Mũi thứ nhất mặc quân phục kaki màu vàng, đóng giả lính ngụy đi tuần rồi tiến thẳng đến Bốt lính kín, bất ngờ đột nhập, tiêu diệt ngay tại chỗ 2 tên lính gác, sau đó tiến vào khu vực nhà lao, phá cửa giải thoát 10 cán bộ, chiến sĩ lực lượng kháng chiến đang bị địch giam giữ tại đây. Mũi thứ hai xông vào nổ súng tiêu diệt tên Chánh mật thám Sênuýt cùng những tên mật thám ác ôn khác.     

Quân địch trong Bốt lính kín bị tiến công bất ngờ, không kịp chống trả. Lực lượng vũ trang kháng chiến hoàn toàn làm chủ trận địa, tiêu diệt hàng chục tên mật thám ác ôn, thu 1 khẩu trung liên, 12 súng tiểu liên, 3 súng ngắn cùng nhiều hồ sơ tài liệu và trang bị quân sự của địch. Trước khi rút về căn cứ, lực lượng tập kích còn tiêu hủy một xe Jeép cùng nhiều máy móc, phương tiện kỹ thuật quân sự của giặc. Trận đánh diễn ra nhanh gọn khiến quân địch ở các đồn bốt gần đó không kịp ứng cứu, lực lượng tập kích rút về căn cứ an toàn.

Chiến công tập kích tiến công sào huyệt của mật thám Pháp giữa trung tâm thị xã Vũng Tàu đã gây tiếng vang lớn ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Trận đánh táo bạo, bất ngờ của lực lượng vũ trang kháng chiến Vũng Tàu khiến quân Pháp và bộ máy ngụy quân, ngụy quyền hoang mang lo sợ. Cũng từ đây, mật thám Pháp và những tên mật thám ngụy ác ôn không còn dám hung hăng lùng sục, đánh phá cơ sở kháng chiến của ta ở Vũng Tàu như trước.

TRẦN BÌNH

 

.
.
.