.
NHỮNG TRẬN ĐÁNH CỦA QUÂN VÀ DÂN BÀ RỊA-VŨNG TÀU TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP

Đánh tàu quân sự của quân Pháp trên sông Lòng Tàu

Cập nhật: 19:05, 14/08/2020 (GMT+7)

Sông Lòng Tàu là một nhánh của sông Đồng Nai, chảy qua  Cần Giờ, cắt ngang rừng Sác, chảy ra vịnh Gành Rái (Vũng Tàu ) rồi đổ ra Biển Đông. Sông Lòng Tàu là tuyến giao thông thủy quan trọng từ Biển Đông vào cảng Sài Gòn. Tháng 5/1951, lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa đã tấn công tàu quân sự 10.000 tấn của Pháp trên tuyến sông này.

Tàu vận tải hàng hóa trên sông Lòng Tàu hiện nay.
Tàu vận tải hàng hóa trên sông Lòng Tàu hiện nay.

Tháng 2/1951, tại chiến khu Việt Bắc, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được tổ chức. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ cho toàn Đảng, toàn dân  đẩy mạnh công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tiến tới giành  thắng lợi hoàn toàn.

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, tháng 2/1951, Hội nghị thường vụ Xứ ủy Nam kỳ mở rộng đã đề ra chủ trương lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ năm 1951. Hội nghị chỉ rõ, các tỉnh Nam Bộ, nhất là các tỉnh miền Đông phải giữ vững và nâng cao mức sống của nhân dân và quân đội, phát triển sâu rộng, mạnh mẽ phong trào du kích, đặc biệt xung quanh Sài Gòn, giành giật nguồn nhân lực, vật lực, đánh mạnh vào hệ thống giao thông của địch, xây dựng và củng cố các căn cứ địa kháng chiến. 

Đầu tháng 5/1951, quân Pháp mở trận càn lớn vào các căn cứ kháng chiến Phú Mỹ, Hắc Dịch, Phước Hòa, Tân Thành, thuộc địa bàn tỉnh Bà Rịa. Địch huy động lực lượng lớn gồm hải quân, bộ binh, biệt kích, âm mưu càn quét tiêu diệt xưởng quân giới và căn cứ kháng chiến của ta, giải tỏa lộ 15. Tiểu đoàn 300, bộ đội chủ lực của tỉnh đã chủ động tổ chức tiến công địch ở Bưng Trục, loại khỏi vòng chiến đấu 2 đại đội Pháp, thu 80 súng các loại. Phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương, xưởng Quân giới Nam Bộ đóng trên địa bàn đã dùng mìn và lựu đạn tự tạo đánh lui các đợt tấn công của địch, bảo vệ an toàn máy móc và phương tiện kỹ thuật của xưởng.

Để đối phó với kế hoạch Tatxinhi, càn quét bình định vùng tạm chiếm của giặc Pháp, các lực lượng vũ trang kháng chiến của tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc tập kích tiến công tiêu hao sinh lực địch. Sau chiến thắng Bưng Trục, Tiểu đoàn 300 khẩn trương lập phương án đánh tàu địch trên sông Lòng Tàu. Sông Lòng Tàu có độ sâu trung bình khoảng 15m nên những con tàu quân sự cỡ lớn, trọng tải hàng ngàn tấn của giặc Pháp chuyên chở binh lính, vũ khí, phương tiện chiến tranh thường xuyên qua lại sông Lòng Tàu để phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược ở Nam Bộ.

Để hỗ trợ bộ đội đánh tàu, các cơ sở kháng chiến ở Thắng Nhì (Vũng Tàu) đã bí mật lấy trộm 2 trái mìn Crueassier quân Nhật cất giấu ở Núi Lớn chở về căn cứ ở Bà Trao - Núi Nứa. Sau đó, bộ phận quân giới cải tiến thành thủy lôi có sức công phá lớn, đủ khả năng đánh chìm tàu địch.

Sau nhiều ngày trinh sát, các chiến sĩ Tiểu đoàn 300 phát hiện tàu Saint Louberbier trọng tải 10.000 tấn của quân Pháp chở nhiều vũ khí, phương tiện hậu cần phục vụ chiến tranh đang neo đậu ở vàm Bà Nghĩa để chờ cập cảng Sài Gòn. Ban chỉ huy Tiểu đoàn 300 đã thông qua phương án tác chiến, với phương châm bí mật bất ngờ, đặt thủy lôi vào mạn tàu giặc mới cho phát nổ.

Trực tiếp chỉ huy trận đánh tàu Saint Louberbier là ông Nguyễn Văn Bứa, và ông Trần Sơn Tiêu. Chiến sĩ Đức phụ trách việc đưa thủy lôi áp mạn tàu địch, chiến sĩ Hạt là kỹ thuật viên phụ trách việc châm điện cho phát nổ thủy lôi.

Theo kế hoạch tác chiến, bộ phận tham gia trận đánh tàu đã bí mật hành quân tiếp cận tàu. Ngày 26/5/1951, trận đánh diễn ra, trái thủy lôi tự chế có sức công phá lớn đã được các chiến sĩ Tiểu đoàn 300 đặt vào mạn tàu rồi châm điện phát nổ. Tiếng nổ ầm vang dữ dội khiến quân Pháp trên tàu hoảng hồn khiếp vía, nhiều tên bị sức ép chết ngay tại chỗ. Tàu Saint Louberbier bị hư hỏng nặng, khoang tàu bị thủng, nước ào ạt tràn vào…

Trận đánh trên sông Lòng Tàu khiến quân Pháp ở Sài Gòn và các tỉnh miền Đông Nam Bộ hoang mang lo sợ. Đây là trận đánh tàu lớn nhất trên sông Lòng Tàu của lực lượng vũ trang kháng chiến miền Đông. 

Chiến công đánh hỏng nặng tàu địch trên sông Lòng Tàu đã gây tiếng vang lớn trong dư luận báo chí bấy giờ, đồng thời là sự phối hợp tuyệt vời của quân và dân Bà Rịa, Vũng Tàu với chiến trường phía Bắc, trong giai đoạn tổng tiến công giành thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

TRẦN BÌNH 

Tài liệu tham khảo: Lịch sử Đảng bộ TP. Vũng Tàu; Lịch sử Đảng bộ tỉnh BR-VT; Lịch sử Đảng bộ miền Đông Nam Bộ lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. 

 
.
.
.