Đình thần Long Điền - Công trình văn hóa tâm linh 175 năm tuổi
Đình thần Long Điền tọa lạc tại thôn Long Phượng, TT.Long Điền, huyện Long Điền, được xây dựng đến nay đã gần 175 năm tuổi. Nơi đây lưu giữ nhiều giá trị văn hóa-lịch sử địa phương, địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh cộng đồng của người dân Long Điền.
Cổng chính của đình thần Long Điền. |
Ông Chiêm Ích Quang, Trưởng Ban quản lý các di tích huyện Long Điền cho biết, đình thần Long Điền là ngôi đình cổ nhất ở huyện Long Điền, được xây dựng vào đời vua Thiệu Trị, khoảng năm 1845. Theo lời kể của các vị cao niên trong làng, dựa vào tập tục của người Việt lúc mới khai hoang, lập ấp trên một vùng đất mới thì việc đầu tiên là họp chợ để phục vụ nhu cầu đời sống vật chất. Kế tiếp là dựng đình để phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần (tâm linh), đồng thời làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân. Đình thần Long Điền đã được xây dựng cách đây 175 năm tại vị trí ngày nay, theo thời gian đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên những giá trị xưa.
Tổng diện tích toàn khu vực đình thần Long Điền rộng khoảng 1,4ha. Toàn bộ khuôn viên đình nằm trong vòng tường bao hình chữ nhật, cửa chính mở về hướng Đông. Đình thần ẩn mình giữa không gian xanh của vườn cây cổ thụ quý hiếm hàng trăm tuổi như dầu, sao, giáng hương… quanh năm tỏa bóng mát, tạo nên không gian trong lành mang đến một sự yên bình, tĩnh lặng.
Công trình kiến trúc đình thần được xây dựng gồm cổng, tấm bình phong, tòa võ ca, tòa chánh điện, nhà hậu. Bên trong còn có đền thờ Tiên sư, nhà bếp và miếu thờ thần Nông. Tại tòa chánh điện ở bàn thờ trung tâm là nơi thờ Thành Hoàng, hai bên thờ Tả ban và Hữu ban. Trong đình còn lưu giữ nhiều bàn thờ, bao lam, cửa võng, hoành phi, câu đối… được chạm khắc, sơn son thếp vàng. Nhiều cổ vật bằng gỗ được chạm lộng, chạm thủng rất công phu tạo nên những hình ảnh điêu khắc sống động như: lưỡng long chầu nguyệt, chim, thú, hoa, cây cối…
Hiện tại, trong khuôn viên đình thần Long Điền có dấu tích của một vòng tường cổ bao quanh 3 mặt ở phía Tây, Nam, Bắc. Bờ tường phía Tây còn khá nguyên vẹn, dài khoảng 54m, cao trung bình 3m, dày 0,8m được xây bằng đá ong và gạch đinh. Vòng tường phía Bắc và phía Nam gần như bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại chân móng đá ong. Ở một số đoạn tường bị đào lấy hết đất đá còn vương lại một số mảnh sành, sứ, đá hoa cương… Những mảnh sành này thuộc các loại vật dụng sinh hoạt như lu, vại, vò của người Việt sống vào thời nhà Nguyễn. Ngoài vòng tường, cách chánh điện 20m về phía Nam có miếu thần Nông xây bằng gạch, phía Nam và phía Bắc của đình thần có 2 giếng cổ được xây bằng đá ong.
Tường thành cổ còn sót lại của di tích đình thần Long Điền, đây là nơi được nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu. |
Ông Lê Văn Tài (39 tuổi, thôn Long Phượng, TT.Long Điền) có hơn 20 năm đảm nhiệm việc chăm nom, quét dọn và bảo quản đình thần Long Điền cho biết, hàng năm, đình thần Long Điền đón nhiều lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về ngôi đình cổ. Nhiều đoàn du khách nước ngoài tỏ ra rất thích thú khi được tham quan, tìm hiểu những nét kiến trúc mang đậm văn hóa tâm linh đặc sắc của đình thần và thường nán lại chụp ảnh lưu niệm.
Mỗi năm, đình thần Long Điền đều tổ chức nhiều lễ hội tính theo Âm lịch, như: ngày 8 tháng Giêng cúng khai sơn, 25 tháng Giêng cúng khai cửa nghè, ngày 11/5 cúng vía Thành Hoàng, ngày 25/10 cúng vía thần Nông... Hàng năm, tại đình thần Long Điền đều diễn ra lễ hội Kỳ Yên, được tổ chức công phu và hoành tráng trong 3 ngày 16, 17, 18 tháng Hai âm lịch. “Các lễ hội tại đình thần là một nét văn hóa đặc trưng của người dân huyện Long Điền. Được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác từ xưa đến nay, nhưng vẫn giữ được ý nghĩa ban đầu. Đình thần Long Điền là một vật thể kiến trúc tâm linh tồn tại gần 175 năm qua. Vào năm 2005, UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận đình thần Long Điền là di tích lịch sử cấp tỉnh”, ông Chiêm Ích Quang cho hay.
Bài, ảnh: NGỌC BÍCH