.

Bánh tét - hương vị đặc trưng ngày Tết

Cập nhật: 21:14, 12/01/2020 (GMT+7)

Bánh tét là một trong những món không thể thiếu để các gia đình dâng cúng ông bà, tổ tiên làm cho Tết cổ truyền phương Nam trở nên ấm áp hơn. Ở BR-VT, bánh tét cũng được người dân địa phương sử dụng trên mâm cỗ với hương vị thơm ngon từ nếp mới hay hạt bắp đặc trưng và lá chuối xanh dùng để gói bánh…

Bà Nguyễn Thị Nhung (ấp Bắc 1, xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) đang chuẩn bị nhân để gói bánh tét bán cho các chợ và khách hàng đặt mua tại nhà.
Bà Nguyễn Thị Nhung (ấp Bắc 1, xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) đang chuẩn bị nhân để gói bánh tét bán cho các chợ và khách hàng đặt mua tại nhà.

Mỗi dịp Xuân về, nếu ở miền Bắc, miền Trung có bánh chưng xanh thì ở miền Nam có bánh tét. Nguyên liệu gói bánh tét cũng là những nguyên liệu đậm chất quê hương như bánh chưng, gạo nếp, đậu xanh, thịt heo… nhưng khác ở chỗ nếu bánh chưng gói bằng lá dong thì bánh tét gói bằng lá chuối, nếu bánh chưng hình vuông thì bánh tét gói tròn, dài khoảng 20cm. Tuy nhiên, nhân bánh tét phong phú hơn, có thể là thịt, có khi nhân làm bằng chuối chín.

Bánh tét có nhiều loại nhân và vị mặn, ngọt tùy theo người dùng. Phần nếp, bánh tét cổ truyền thường được trộn thêm đậu đỏ, đậu xanh hoặc đậu đen cho có màu sắc đẹp mắt. Bánh tét được xem như một món ăn phổ biến không thể thiếu trong mâm cỗ để các gia đình dâng cúng ông bà, tổ tiên nhất là ngày Tết của người Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Đến đường số 12, ấp Bắc 1, xã Hòa Long (TP.Bà Rịa) hỏi nhà “bà Huệ bánh tét, bánh ít” thì hầu như ai cũng biết, vì gia đình bà Huệ có truyền thống làm nghề bánh tét, bánh ít để bán hơn 40 năm nay. Theo bà Nguyễn Thị Huệ, cách làm bánh tét của gia đình bà được truyền lại từ mẹ của mình. Từ lúc nhỏ, bà Huệ và em gái Nguyễn Thị Nhung đã được thấy cách làm bánh tét truyền thống này của cha mẹ và 2 chị em gái cũng học nghề từ đó. Hiện nay, mỗi ngày 2 gia đình bà Huệ và bà Nhung làm và bán gần 1.400 đòn bánh tét cho khách hàng (khoảng 600 đòn đem ra bán tại Trung tâm thương mại Bà Rịa, còn lại là bán sỉ cho khách hàng ở các huyện như: Long Điền, Đất Đỏ, Châu Đức, Phú Mỹ và TP. Vũng Tàu). Giá từ 5.000-30.000 đồng/đòn bánh tét tùy loại nhỏ, lớn. Dự định trong dịp Tết cổ truyền này, bà Huệ thuê thêm 10 lao động làm liên tục vào 3 ngày cận Tết để kịp cung cấp cho thị trường khoảng 6.000 đòn bánh tét đủ các loại nhân từ ngọt, mặn, chay, chuối với giá từ 50 đến 100 ngàn đồng/đòn bánh tét loại 1 - 1,5 kg/đòn.

Bà Huệ cho biết: Để hương vị bánh thơm ngon, công việc gói bánh phải chu đáo, tỉ mỉ ngay từ khâu chuẩn bị, đòn bánh phải tròn, đều, khi cắt ra nhân bánh nằm ngay chính giữa hoặc nhân bánh có hình tam giác. Gạo nếp ngon, không bị lẫn gạo tẻ đem vo sạch, để ráo nước. Đậu xanh nấu nhuyễn vo làm nhân được nắn theo chiều dài của bánh tét. Thịt mỡ hoặc thịt ba chỉ cắt hình chữ nhật theo độ dài của bánh và ướp chút muối, chút đường trước khi làm nhân. 

Hoàn thành việc gói bánh xong thì chuẩn bị khâu luộc bánh: Nước nấu sôi, xếp bánh vào theo từng lớp, đổ nước thêm cho ngập bánh và đun lửa nấu, nước cạn tới đâu thêm vào đến đó, đậy lá chuối lên trên để khi nấu hơi ít thoát ra ngoài. Củi nấu phải là củi gộc. Ban đầu cho lửa cháy to để sôi đều, sau bớt củi để nồi nước sôi liu riu, độ nóng lan tỏa cho bánh chín đều. Thời gian nấu bánh tét thường từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ. Khi bánh đã chín, công đoạn cuối cùng là vớt ra ngâm nước lạnh, để bánh nguội rồi treo lên cho ráo nước. Làm như thế bánh sẽ để được lâu, không lại bánh sau vài ba ngày. 

Bánh tét trước là để dâng cúng tổ tiên, sau là để ăn, mời khách nên ngoài tính chất ẩm thực bình thường còn mang ý nghĩa nghi lễ truyền thống đã ghi sâu vào tâm thức người Việt. Bánh tét cũng mang ý nghĩa nhân sinh để con người thỏa sức ngẫm ngợi. Bánh được bọc nhiều lớp lá như mẹ bọc con, như tình chị em đùm bọc lẫn nhau. Bà Lý Thị Thu Hồng (58 tuổi, ở đường Trần Xuân Độ, khu phố Long Phượng, TT.Long Điền) cũng có truyền thống làm bánh tét gần 30 năm cho biết, khách hàng của bà chủ yếu là đặt làm qua điện thoại mỗi khi nhà có đám giỗ, lễ tiệc và nhiều nhất là đến dịp Tết cổ truyền khoảng 2.000 đòn bánh gói trong 3 ngày từ 27 đến 29 tháng Chạp. 

Không chỉ có bánh tét nếp mà còn có bánh tét bắp với truyền thống lâu đời ở nhiều địa phương của tỉnh BR-VT. Đặc biệt, từ sau lễ hội bánh tét Tết Kỷ Sửu năm 2009, bánh tét bắp làm ra tại TT.Đất Đỏ được ghi vào kỷ lục Guiness Việt Nam. Từ đó, danh tiếng bánh tét bắp dẻo thơm vùng Đất Đỏ của tỉnh BR-VT vang xa khắp nơi. Nhiều gia đình ở các địa phương trong tỉnh BR-VT đều biết cách gói bánh tét nếp và bánh tét bắp. Nhưng “sản xuất” bánh tét bắp để bán hàng ngày thì tập trung ở các huyện Châu Đức, Đất Đỏ, Xuyên Mộc.

Bài, ảnh: PHI DŨNG

 
.
.
.