Những dòng sông quê hương -Kỳ 1: Sông Dinh hữu ích đa chiều
Căn cứ dịch vụ đóng sửa tàu thuyền và dịch vụ dầu khí bên bờ sông Dinh. Ảnh: NHỰT THANH |
Theo dòng chảy từ các con sông thượng nguồn tỉnh Đồng Nai, dòng chảy qua vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu đã hình thành nên dòng sông Dinh đổ vào các hồ Kim Long, Đá Đen thuộc huyện Châu Đức, chảy xuống vùng hạ lưu TP.Bà Rịa và xuôi qua địa phận các phường nằm dọc theo đường 30/4, TP.Vũng Tàu rồi đổ ra cửa biển vịnh Gành Rái. Trước khi đổ ra biển, sông Dinh cung cấp nước cho hồ Đá Đen và đây là nguồn nước được chuyển về Nhà máy nước hồ Đá Đen (phường Phước Hưng, TP.Bà Rịa) xử lý đạt chuẩn vệ sinh nước sinh hoạt, cung cấp nước sạch cho TP. Bà Rịa và TP.Vũng Tàu.
Còn tuyến sông Dinh luồng thủy nội địa được xác định từ phao số 0 ngoài cửa biển vịnh Gành Rái vào sâu trong vùng nước nội địa khoảng 20 hải lý, độ sâu luồng từ 4-7m với nhiều khoảng sông rộng. Lợi thế thủy văn của sông Dinh là con nước lớn-ròng lên xuống 2 lần/ngày theo chế độ bán nhật triều, biên độ thủy triều tới 3,5m có thể khai thác luồng tuyến cả ngày lẫn đêm. Các điều kiện tự nhiên của sông Dinh khá thuận lợi cho việc phát triển giao thông hàng hải tiếp giáp đường thủy nội địa, xây dựng cơ sở sản xuất công nghiệp, hình thành nên hệ thống cụm cảng thương mại, cảng chuyên dùng.
Đua thuyền đạp nước trên Sông Dinh. Ảnh: PHƯƠNG ANH |
Ông Lê Văn Thức, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho biết, sông Dinh là luồng hàng hải công cộng, được Cục Hàng hải Việt Nam công bố quyết định đưa vào sử dụng cuối năm 2012, toàn tuyến dài 16,6km. Dọc theo luồng sông Dinh có căn cứ dịch vụ dầu khí lớn nhất cả nước (cảng Vietsovpetro, cảng hạ lưu PTSC, cảng xăng dầu PTSC, cảng kho xăng dầu Đông Xuyên… đã được Cục Hàng hải Việt Nam công bố cho phép tiếp nhận tàu có trọng tải đến 10.000 DWT); các cơ sở đóng mới tàu thuyền, giàn khoan (Công ty Var, Công ty Strategic Marine...); các căn cứ quân sự Hải quân và Cảnh sát biển; nhà dân san sát bên bờ sông dọc theo các phường nằm trên tuyến đường 30/4, TP.Vũng Tàu.
Theo ông Lê Văn Thức, hiện nay, sông Dinh là một trong những tuyến luồng có lưu lượng tàu thuyền qua lại khá lớn, với 20 bến cảng được đưa vào khai thác, sử dụng. Bình quân hàng năm, có hơn 5.000 lượt tàu biển và các tàu dịch vụ dầu khí, tàu hàng, tàu công vụ, các phương tiện thủy của người dân, DN thường xuyên trên tuyến sông Dinh. Số lượng hàng hóa thông qua các bến cảng sông Dinh năm 2018 hơn 1 triệu tấn, riêng 9 tháng đầu năm nay, sản lượng hàng hóa đã đạt 755.246 tấn.
Nếu ai có dịp ngồi trên thuyền hoặc ca nô dạo chơi trên tuyến sông Dinh đoạn qua các phường dọc theo đường 30/4, TP.Vũng Tàu, có thể chứng kiến sự nhộn nhịp của các tàu thuyền lưu thông qua lại khi ra vào cảng biển, nhà máy đóng tàu ven sông, cảng cá Bến Đình nơi có nhiều loại tàu thuyền lớn, nhỏ ra vào cảng để bán hải sản và tiếp nhiên liệu, nước đá, thực phẩm… chuẩn bị cho lần ra khơi tiếp theo. Nếu gặp dịp, du khách còn chứng kiến cảnh đua thuyền đạp nước, đua thuyền buồm sôi nổi, hào hứng, ngoạn mục trên sông. Đi dọc sông Dinh, du khách đến tham quan làng bè nuôi thủy sản và ngắm nhìn nét kiến trúc đẹp, hoành tráng của cầu Chà Và, cầu Cỏ May. Toàn tuyến chỉ khoảng 15km, đoạn đi dọc sông Dinh từ bến du thuyền phường Rạch Dừa (TP.VũngTàu) đến cầu Chà Và khoảng 10km và từ cầu Chà Và đến cầu Cỏ May khoảng 5km.
Ngoài ra, thực hiện chuyến đi dọc luồng sông Dinh, du khách còn nhìn thấy đảo Xanh, đảo Ngọc (cù lao Bãi Ngựa) nằm trong khu vực đảo lớn Gò Găng (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) còn đậm nét hoang sơ. Nơi đây đang được khai thác trên cơ sở bảo tồn tự nhiên, đầu tư các nhà chòi bằng tre, nứa, lá nổi trên mặt nước hoặc trên các gò đất; lắp đặt những cây cầu gỗ dẫn ra đùng nuôi hải sản để khách vừa câu cá, thưởng thức hải sản, vừa ngắm phong cảnh sông nước hữu tình, hệ sinh thái hoang sơ; khách cũng có thể thư giãn bằng cách đi bộ quanh đảo, hoặc chèo thuyền len lỏi giữa các con lạch tìm hiểu hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, tham quan hệ sinh thái rừng ngập mặn… “Hành trình du ngoạn trên sông Dinh khá thú vị, mỗi khi có dịp về thành phố biển Vũng Tàu, gia đình tôi đều thực hiện chuyến đi này và lần nào cũng có cảm giác trải nghiệm mới lạ”, bà Nguyễn Thị Thu (Quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ.
(Xem tiếp kỳ sau)
Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH