Những sản vật nổi tiếng của Bà Rịa - Vũng Tàu: Kỳ 2: Mở rộng vùng trồng cây mãng cầu ta
Hơn 10 năm qua, mãng cầu ta đã được khẳng định là một trong những loại nông sản độc đáo của BR-VT… Được thị trường đón nhận với giá trị tương đối cao, bà con nông dân yên tâm mở rộng vùng trồng, cải thiện chất lượng để mãng cầu BR-VT vươn xa.
Người dân chọn mua mãng cầu ta tại đại lý trái cây Mạnh Linh (04, Bà Huyện Thanh Quan, TP. Vũng Tàu). |
Có gần 1ha đất nông nghiệp, đang trồng cây nhân sâm nhưng hiệu quả kinh tế không cao, 5 năm trước, anh Mai Quốc Khánh (ấp Phước Trung, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ) đã mạnh dạn chuyển đổi 4.500m2 đất để trồng cây mãng cầu. Đến nay, vườn mãng cầu của anh đã cho thu hoạch 4 vụ, mỗi vụ cho sản lượng khoảng 4,5 tấn. Với giá bình quân bán tại vườn từ 42.000-50.000đồng/kg, gia đình anh Khánh thu về khoảng 80 triệu đồng/năm. “Cuộc sống của gia đình tôi, cũng như bà con nơi đây, được cải thiện nhờ bám trụ với cây mãng cầu”, anh Khánh nói.
Khu vườn rộng 1ha của anh Nguyễn Vũ Toàn (ấp Cây Cám, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ) chỉ trồng một loại cây ăn trái duy nhất, đó là mãng cầu ta. Theo anh Toàn, trước đây, bình quân 1ha mãng cầu cho năng suất từ 3-4 tấn/vụ. Từ khi ứng dụng mô hình VietGAP, sản lượng thu hoạch tăng gấp đôi, khoảng 7-8 tấn/vụ. “Nhờ nguồn nước tưới tại khu vực này có hàm lượng Ca2+ và Mg2+ cao, kết hợp với kỹ thuật trồng theo mô hình VietGAP nên mãng cầu BR-VT có chất lượng cao, trái ít bị sâu bệnh hơn”, anh Toàn nói.
Theo Sở NN-PTNT, từ khi triển khai thực hiện mô hình VietGAP (năm 2011), năng suất, chất lượng của cây mãng cầu ta từng bước được nâng lên và bắt đầu được tiêu thụ tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh và hệ thống siêu thị tại TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Từ năm 2011, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) đã chủ trì phối hợp với Công ty sở hữu trí tuệ Invenco xây dựng thương hiệu nhãn hiệu tập thể cho mãng cầu BR-VT nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị cho loại trái cây này trên địa bàn tỉnh. Cuối năm 2012, mãng cầu của BR-VT đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Năm 2016, Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam Bộ (phường Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ) đã triển khai nghiên cứu đề tài bảo tồn nguồn gen cây mãng cầu với mục đích bảo tồn, đánh giá và sử dụng nguồn gen cây mãng cầu ta đặc hữu của BR-VT. Đề tài được triển khai với 40 nguồn gen (200 cây) trên diện tích 3.000m2. |
Cũng theo Sở NN-PTNT, để tận dụng tốt nhất các lợi thế, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để phát triển cây mãng cầu ta đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập cho người trồng, từ năm 2012 UBND tỉnh đã quy hoạch vùng sản xuất mãng cầu ta. Theo đó, trên địa bàn tỉnh hình thành 6 tiểu vùng sản xuất mãng cầu tập trung, gồm: xã Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ); xã Phước Long Thọ, Phước Hội (huyện Đất Đỏ); xã Long Tân (huyện Đất Đỏ); xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ); xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) và xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). Theo quy hoạch phát triển vùng sản xuất mãng cầu ta của tỉnh đến năm 2020 diện tích sản xuất mãng cầu ta khoảng 1.700ha với sản lượng bình quân 10 ngàn tấn/năm. Hiện 70% vùng sản xuất tập trung này đang được trồng theo đúng quy chuẩn VietGAP, đáp ứng các đơn đặt hàng lớn của siêu thị hoặc DN. Việc áp dụng mô hình VietGAP trong sản xuất sẽ giúp khẳng định được thương hiệu mãng cầu ta của BR-VT và có khả năng xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Tháng 2/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00071 cho sản phẩm mãng cầu ta BR-VT. Theo đó, khu vực địa lý của mãng cầu được xác định gồm: Phường 11, phường 12 (TP. Vũng Tàu); xã Châu Pha (TX. Phú Mỹ); xã Phước Long Thọ (huyện Đất Đỏ); xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc).
Bài, ảnh: QUANG VŨ