Những sản vật nổi tiếng của Bà Rịa - Vũng Tàu: Xứ sở "vàng đen" - ngày ấy bây giờ
BR-VT là một trong sáu tỉnh sản xuất hồ tiêu lớn nhất của cả nước. Tiêu đen BR-VT hạt to, vỏ mỏng… rất được thị trường ưa chuộng và là sản phẩm đặc trưng của vùng đất bazan có độ phì cao. Loài cây được mệnh danh “vàng đen” này không chỉ giúp nhiều người trở thành tỷ phú, mà còn định hình một thương hiệu cây công nghiệp của BR-VT .
Thu hoạch tiêu tại nhà ông Nguyễn Phương Đông, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức. |
Theo các hộ trồng tiêu lâu năm, hồ tiêu bắt đầu “bén rễ” ở vùng đất Quảng Thành (huyện Châu Đức) vào nửa cuối thập niên 1970, gắn với quá trình di dân làm kinh tế mới. Đầu tiên, bà con chủ yếu trồng cây lương thực. Sau khi ổn định cuộc sống, các hộ dân bắt đầu lựa chọn cây trồng để tăng thu nhập. Khu vực xã Quảng Thành, khi đó đang thuộc tỉnh Đồng Nai có diện tích đất bazan lớn, lại có nhiều hồ nước nên rất phù hợp với cây hồ tiêu. “Do đó, nhiều bà con đã lựa chọn loại cây này để trồng. Tôi còn nhớ, cuối những năm 1970, đầu 1980, hồ tiêu đã có giá trị rất lớn. Có những thời điểm 5kg tiêu đổi được khoảng 1 chỉ vàng, 3kg đổi được được 1 tạ gạo nên đời sống các hộ dân nơi đây rất khấm khá. Các vườn tiêu thẳng tắp, xanh ngát liên tiếp được mọc lên”, ông Võ Khắc Thuyết, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành, huyện Châu Đức kể lại.
Bên cạnh khai hoang, khá nhiều diện tích canh tác hồ tiêu của huyện Châu Đức hiện nay thuộc Nông trường Cà phê Đồng Nai cũ. Đến năm 1991, khi tách tỉnh, một phần diện tích này được chia lại để cán bộ, công nhân của nông trường canh tác, sản xuất. Ông Trần Văn Mậu (ấp Tân Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) cho biết, đa số các hộ được mua lại đất đều chọn trồng hồ tiêu bởi thời điểm đó giá bán rất cao. Nhiều gia đình xây nhà lầu, mua xe hơi, con cái học hành thành đạt cũng nhờ thu nhập từ hồ tiêu. Từ đó đến nay, diện tích trồng loại cây này liên tục tăng lên và đã trở thành loại cây trồng chủ lực tại địa phương.
Nhưng nói đến hồ tiêu BR-VT không thể không nhắc đến thương hiệu tiêu Bầu Mây do anh Lâm Ngọc Nhâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Thương mại Du lịch Bầu Mây ở huyện Xuyên Mộc cấy ghép. Anh Lâm Ngọc Nhâm cho biết: “Năm 2005, tôi phát hiện trong vườn có một gốc tiêu năm nào cũng cho năng suất cao gấp rưỡi so với các giống khác, kháng bệnh tốt, ít dịch hại. Tôi đã thử nghiệm cắt dây làm giống, năng suất cao gấp 2-3 lần so với các loại giống tiêu thông thường như Vĩnh Linh, Ấn Độ… Tôi đã lấy thương hiệu Bầu Mây đặt tên cho giống tiêu này. Đây cũng là giống tiêu được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao chứng nhận “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2014”.
Theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh là 7.000ha, sản lượng tiêu khoảng 16.800 tấn, trong đó xuất khẩu 16.200 tấn, còn lại tiêu thụ nội địa. Để đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân và phát triển bền vững, huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc đã triển khai dự án “Phát triển hồ tiêu bền vững”. Dự án nhằm hướng dẫn người dân canh tác theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu của các nước trong đó chủ yếu là hạn chế thành phần dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. |
Giống tiêu Bầu Mây do anh Nhâm dày công nghiên cứu, ươm tạo và phát triển với những đặc điểm khác biệt: có bộ rễ cái to khỏe gấp 10 lần giống khác, tiêu trưởng thành phân bố mầm đều, chịu được hạn, kháng bệnh tốt, năng suất cao từ 10-12 tấn/ha, ổn định qua các năm. Hiện giống tiêu Bầu Mây đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Tiêu Bầu Mây tại Cục Sở hữu trí tuệ, chất lượng hạt tiêu vượt trội được đối tác Nhật Bản, một thị trường khó tính đánh giá cao. Bộ sản phẩm thương hiệu Bầu Mây cung cấp đến người tiêu dùng hiện nay gồm: nước chấm, muối tiêu xanh, tiêu không hạt, tiêu đỏ, tiêu đen, tiêu xanh, củ hoài sơn,… Đặc điểm nổi bật của các sản phẩm thương hiệu Bầu Mây là có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; đạt chuẩn quốc tế Global GAP; là thương hiệu nông sản sạch hữu cơ của Việt Nam, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá trị và hàm lượng dinh dưỡng cao; áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn ISO 22000, hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử gắn với bộ nhận diện thương hiệu Bầu Mây.
QUANG VINH