Những sản vật nổi tiếng của Bà Rịa - Vũng Tàu: Kỳ 1: Nức tiếng mãng cầu Bà Rịa - Vũng Tàu
Mãng cầu (ta) là một trong những loại cây ăn quả đặc sản của tỉnh, là sản phẩm không những quen thuộc với người dân trong tỉnh mà còn là món quà đối với du khách khi đến với BR-VT.
Anh Nguyễn Vũ Toàn (ấp Cây Cám, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ) trồng mãng cầu ta theo hướng VietGAP. |
Theo Sở NN-PTNT, mãng cầu (ta) có nguồn gốc từ vùng Cát Lở (phường 11, TP. Vũng Tàu) từ năm 1954. Trải qua quá trình được tuyển chọn giống và phát triển, đến nay giống mãng cầu ta ở Cát Lở đã khẳng định là giống mãng cầu rất đặc thù, khác biệt và có chất lượng được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngày nay, mãng cầu được xem là cây ăn trái chủ lực của BR-VT, đây là loại cây không kén đất nhưng không chịu được ngập úng nên được trồng khá phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh. Quả mãng cầu hình trái tim, vỏ sần, trước khi chín có màu xanh, khi chín màu xanh vàng. Múi quả mãng cầu trắng ngà, dai, ráo. Mãng cầu ta BR-VT có mùi thơm nhẹ, hàm lượng Vitamin C cao hơn mãng cầu trồng ở nhiều nơi khác trên cả nước.
Dẫn chúng tôi vào vườn mãng cầu lúc lỉu quả, ông Trần Văn Châu (xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ) vui vẻ cho biết: Mãng cầu là loại trái cây đặc sản thứ 2 của tỉnh BR-VT (sau nhãn xuồng cơm vàng) được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Nhờ đó, đầu ra của cây mãng cầu khá ổn định. Tới vụ thương lái vào tận vườn để thu mua. Những năm qua, cây mãng cầu đã trở thành cây ăn trái chủ lực của xã, mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân. Theo tính toán của ông Châu, mãng cầu được trồng theo giải pháp xử lý ra hoa trái vụ, cho mức lãi 80 - 120 triệu đồng/ha/năm.
mãng cầu BR-VT Trang 7 Mãng cầu BR-VT nổi tiếng thơm ngon, trái đẹp nên được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: QUANG VŨ |
Còn ông Huỳnh Văn Hải (ấp Phước Thới, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ) - người gắn bó với cây mãng cầu hơn 25 năm nay và đã chứng kiến bao thăng trầm của loại trái cây này cho biết, cây mãng cầu cao cỡ 2-5 mét, lá mọc xen ở hai hàng; hoa xanh, quả tròn, được phân thành hai loại, thường gọi là mãng cầu dai và mãng cầu bở. Hiện nay giống mãng cầu bở hầu như không còn do ít người thích nên người dân chặt bỏ và thay thế vào là giống mãng cầu dai, quả có màu xanh, vỏ mỏng mềm, dễ bóc, nhiều cơm màu trắng sữa và ít hạt, ăn ngọt, để được lâu, không dễ nát, múi nhằn cùi dễ tróc ra khỏi hạt.
Ông Huỳnh Văn Hải không chỉ nổi tiếng vì có vườn mãng cầu vừa ngon, vừa đẹp mà còn được mệnh danh là “phù thủy” trong việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ để điều khiển vườn mãng cầu ra hoa, đậu quả theo ý muốn. Nhờ vậy, vườn mãng cầu của ông Hải năm nào cũng được mùa, sản lượng thu hoạch đạt hơn 10 tấn/ha. Theo ông Hải, sau khi thu hoạch vụ chính xong thì tỉa cành, tạo tán, loại bỏ các cành bị sâu bệnh và trái non. Tiếp đó bón phân chuồng hoặc bón nhiều đạm và lân cho cây phục hồi sức khoẻ. Khoảng giữa tháng 8 (âm lịch) bắt đầu tỉa trụi lá. Sau đó, ngừng tưới nước khoảng 1 tuần và phun thuốc ngừa sâu bệnh. Lượng phân bón cho một gốc cây là khoảng 10-15kg phân chuồng ủ hoai, 300-400g NPK (20-20-15), 1kg lân, 1kg phân hữu cơ và khoảng 100g urê. Sau đó, cứ khoảng 10-15 ngày thì bón lại, trung bình bón khoảng 8-10 đợt cho đến lúc thu hoạch.
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhờ kinh nghiệm truyền thống của người dân địa phương mà mãng cầu BR-VT có mùi vị thơm ngon hơn hơn những vùng đất khác. Theo đánh giá, mãng cầu của BR-VT nổi bật như vị ngọt thanh, mùi thơm đặc trưng, cơm dày và không bị sượng. Năm 2008, tại cuộc thi “Cây mãng cầu trái ngon giống tốt vùng Đông Nam bộ” những quả mãng cầu của lão nông Huỳnh Văn Hải (ấp Phước Thới, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ) đã thực sự chinh phục những vị giám khảo khó tính để mang về giải nhất từ hội thi. Từ cuộc thi này, quả mãng cầu BR-VT đã nhanh chóng có tiếng trên thị trường cả nước.
(Còn nữa)
Bài, ảnh: THANH NGA