Những sản vật nổi tiếng của Bà Rịa - Vũng Tàu: Bơ Châu Đức - thương hiệu mới
Nhắc đến quả bơ, lâu nay người tiêu dùng thường cho rằng chỉ có ở Đắk Lắk, Lâm Đồng mới thơm ngon. Nhưng tại huyện Châu Đức, vài ba năm trở lại đây đã nổi tiếng không kém với thương hiệu bơ Thái Dương, bơ QM01, trở thành sản phẩm được yêu thích và đem lại lợi nhuận cao cho người trồng, ghi tên vào danh sách nông sản độc đáo và có thương hiệu của BR-VT.
Ông Nguyễn Cảnh Thái Dương (trái) trao đổi với nông dân kỹ thuật chăm sóc bơ. |
Sau hơn chục năm trồng, nghiên cứu, thử nghiệm từ các giống bơ nổi tiếng trong và ngoài nước, ông Đỗ Chiếm Quang, Giám đốc Công ty TNHH giống cây trồng Quốc Minh (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) đã chọn lọc được giống bơ tốt nhất, cho năng suất và chất lượng cao. Khi so sánh với các loại bơ, ông Quang nghiệm ra rằng giống bơ mới này sinh trưởng nhanh, nhiều trái, tỷ lệ thịt bơ trên 90%, màu vàng tươi, dẻo, không có chỉ, lại không trùng với vụ bơ ở Đắk Lắk. Ông đã đặt tên cho giống bơ này là bơ sáp QM01. Theo ông Quang, giống bơ này cho năng suất cao, chất lượng quả ngon, lại kháng bệnh khá tốt.
Hiện vườn bơ của ông có diện tích 11ha với khoảng 3.000 cây. Theo ông Quang, bơ sáp QM01 ra trái quanh năm, không phân biệt chính vụ hay nghịch vụ và trái kết thành từng chùm, mỗi trái bơ khi chín có trọng lượng từ 550-650g, nặng gấp rưỡi trái bơ thường. Sản lượng thu hoạch bình quân mỗi năm khoảng 600 tấn, sau khi trừ chi phí đầu tư, nhân công, ông Quang có thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng. “Trước đây, trong quá trình nghiên cứu, tôi lưu giữ gen của 25 loại bơ khác nhau, nhưng hiện chỉ còn giữ lại 5 loại gen trong đó có gen của 1 loại bơ ngoại. Tôi cũng đã đăng ký xác nhận cho 4 cây bơ đầu dòng. Những cây bơ đầu dòng này được tôi đánh số từ 1 đến 4 để tiện theo dõi và có chế độ chăm sóc riêng. Tôi chỉ nhân giống và kinh doanh 1 loại bơ duy nhất là bơ sáp QM01”, ông Quang cho biết thêm.
Ông Đỗ Chiếm Quang, kiểm tra chất lượng trái bơ trong vườn bơ của gia đình. Ảnh: ĐÔNG HIẾU |
Hiện nay bơ sáp QM01 đã có mặt tại một số tỉnh, thành như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Dương, Tây Ninh… Ngoài vườn bơ thương phẩm, ông Quang còn tạo dựng được một vườn ươm bơ giống tại ấp Liên Sơn, xã Xà Bang, mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 30-50 ngàn cây giống được cấy ghép sẵn mang thương hiệu QM01 với giá 60 ngàn đồng/cây.
Cũng không kém cạnh bơ sáp QM01, bơ sáp Thái Dương được cấy ghép thành công bởi một kỹ sư ngành xây dựng cũng đã nức tiếng cả nước. Bơ sáp Thái Dương có đặc điểm trái thon dài, hạt nhỏ, cơm vàng, mịn, béo ngậy... Ông Nguyễn Cảnh Thái Dương - chủ nhân của bơ Thái Dương cho biết, trong một lần ra vườn, nhìn những cây bơ còn sót lại xơ xác, chết dần, ông đã tìm hiểu và quyết định hồi sinh vườn bơ. Ông bắt đầu mày mò, nghiên cứu để ghép và chọn giống bơ phù hợp với thổ nhưỡng của Châu Đức. Qua thời gian, ông Dương nhận thấy giống bơ sáp phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng quả dẻo, thơm, ít có vùng đất nào sánh được. Bơ sáp Thái Dương được trồng hoàn toàn theo quy trình VietGAP. Việc bón phân được kiểm soát nghiêm ngặt. Từng công đoạn chăm sóc đều được theo dõi, ghi chép cẩn thận. Để nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường, xác định xây dựng thương hiệu ngay từ đầu, tháng 3/2017, HTX Nông nghiệp Thái Dương (ấp Liên Lộc, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) được thành lập. Bơ sáp Thái Dương hiện đã có mặt ở các tỉnh như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Đồng Nai… với giá bán từ 60-90 ngàn đồng/kg, cao gấp đôi so với giá bơ trên thị trường.
Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, so với các loại cây ăn quả khác, bơ là loại cây dễ trồng, khả năng thích nghi rộng, có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe, được thị trường ưa chuộng, đem lại thu nhập ổn định, vì vậy được nhiều bà con nông dân ở huyện Châu Đức ưu tiên lựa chọn canh tác. Từ hiệu quả của mô hình này, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Xà Bang đã liên kết với HTX Nông nghiệp Thái Dương để sản xuất bơ sạch và có đầu ra ổn định. Địa phương đã nhân rộng mô hình trồng bơ ra trên các địa bàn như: Xà Bang, Kim Long, Láng Lớn. Từ vài chục ha đến nay toàn huyện đã có hơn 300ha diện tích trồng bơ với năng suất bình quân mỗi ha từ 30-40 tấn/năm. Châu Đức hiện là địa phương có diện tích và sản lượng bơ lớn nhất BR-VT.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU