Phát triển thủy sản bền vững, minh bạch và trách nhiệm

Thứ Hai, 22/04/2024, 18:06 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 22/4, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến đến 28 tỉnh, thành có biển, quán triệt và triển khai Chỉ thị 32-CT/TW ngày 10/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và phát triển ngành thủy sản bền vững.

Cán bộ Trạm kiểm soát biên phòng Bến Đầm (huyện Côn Đảo) kiểm tra giấy tờ tàu cá vừa cập bến  theo quy định chống khai thác IUU.
Cán bộ Trạm kiểm soát biên phòng Bến Đầm (huyện Côn Đảo) kiểm tra giấy tờ tàu cá vừa cập bến theo quy định chống khai thác IUU.

Nhiệm vụ cấp bách, lâu dài

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã báo cáo nội dung chủ yếu Chỉ thị 32 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU.

Những năm qua, ngành thủy sản tiếp tục phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tổng sản lượng hàng năm đạt hơn 9 triệu tấn, đóng góp khoảng 30% GDP ngành nông nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, phát triển ngành thủy sản Việt Nam chưa bền vững, chưa gỡ được cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu, chưa tuân thủ đầy đủ quy định chống khai thác IUU.

Để khắc phục tồn tại, hạn chế, thực hiện tốt trong thời gian tới, Ban Bí thư xác định, công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là các cấp ủy, tổ chức Đảng. Người đứng đầu ở ngành, địa phương, có trách nhiệm trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo "thẻ vàng" trong năm 2024.

Từ đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, DN và ngư dân ven biển, hải đảo về phát triển bền vững ngành thủy sản, chống khai thác IUU. Chú trọng công tác vận động, nắm tình hình, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn ngay từ trong bờ tàu cá và ngư dân cố ý vi phạm, nhất là khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Chỉ thị 32 của Ban Bí thư cũng yêu cầu các ban, ngành, khẩn trương rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật, bổ sung chế tài xử lý nghiêm vi phạm; khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác IUU. Chú trọng chính sách nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo quản, chế biến phục vụ xuất khẩu; có chính sách hỗ trợ hiện đại hóa nghề cá, cải thiện sinh kế, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển, nâng cao cuộc sống.

Cơ hội gỡ “thẻ vàng” IUU

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng triển khai Nghị quyết 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ về Chương trình hành động và Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư về chống khai thác IUU.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cuối tháng 5/2024, Đoàn công tác EC sẽ qua Việt Nam thanh tra lần thứ 5 về công tác chống khai thác IUU. Trước mắt, EC đang ghi nhận những nỗ lực, chuyển biến tích cực của Việt Nam trong công tác này 1 năm qua và lần thanh tra tới là cơ hội để Việt Nam gỡ “thẻ vàng” IUU.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, thời gian qua, tỉnh thực hiện kịp thời và đầy đủ các chỉ thị, nghị định của Trung ương, Chính phủ và các bộ, ngành. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 10/10/2018 thực hiện các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài và tổng kết 5 năm thực hiện vào ngày 26/3/2024.

Với sự nỗ lực của các cấp ban, ngành, địa phương, từ tháng 8/2022 đến nay, tỉnh không có trường hợp nào vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài.

Về công tác quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm soát hoạt động của tàu cá, tỉnh đã hoàn thành rà soát toàn bộ số lượng tàu cá đăng ký, cập nhật 100% vào cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia. Đến nay, tỉnh có 4.479 tàu, trong đó, 2.730 tàu (chiếm 60,95%) hoạt động vùng khơi. Đây là đội tàu đánh bắt hải sản xuất khẩu sang châu Âu được tỉnh quản lý chặt chẽ. Các tàu phải đảm bảo có đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, an toàn vệ sinh thực phẩm và gắn máy giám sát hành trình đầy đủ mới được xuất bến.

Công tác thực thi pháp luật cũng được tỉnh tăng cường, xử lý nghiêm các vi phạm chống khai thác IUU. Từ sau Đoàn thanh tra EC kiểm tra lần thứ 4 tháng 10/2023 đến nay, tỉnh đã xác minh, điều tra, xử lý 55 vụ (59 trường hợp) vi phạm chống khai thác IUU với số tiền xử phạt 1,343 tỷ đồng. Riêng đối với tàu cá vi phạm mất kết nối giám sát hành trình, các lực lượng chức năng đã điều tra, xử lý dứt điểm 172 trường hợp và đang tiếp tục điều tra, xử lý 20 trường hợp.

Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương có biển tham dự hội nghị đã thể hiện quyết tâm cao trong việc thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư trong thời gian tới.

Kết luận hội nghị, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ghi nhận những nỗ lực của các ban, ngành, địa phương về công tác chống khai thác IUU trong thời gian qua. “Tuy nhiên, đây không chỉ là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của cả nước trong năm 2024, mà còn là nhiệm vụ lâu dài trong thời gian tới, không chỉ gỡ “thẻ vàng” của EC, mà còn là cơ hội để tái cấu trúc lại ngành thủy sản, theo hướng phát triển bền vững, minh bạch và có trách nhiệm”, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Bài, ảnh: NGỌC MINH

 
;
.