Xung đột Biển Đỏ ngày càng căng thẳng: Doanh nghiệp cảng biển lo ngại

Thứ Ba, 12/03/2024, 17:59 [GMT+7]
In bài này
.

Căng thẳng tại Biển Đỏ đã gây tác động xấu tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu (DN XNK) và cảng biển. Đặc biệt là cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) vì nơi đây có tới với 23 tàu mẹ đi trực tiếp châu Âu và Mỹ.

DN xuất khẩu đang “ngồi trên lửa” với giá cước tàu vì ảnh hưởng căng thẳng ở Biển Đỏ. Trong ảnh: May ba lô, túi xách xuất khẩu tại Công ty TNHH GT Line Á Châu.
DN xuất khẩu đang “ngồi trên lửa” với giá cước tàu vì ảnh hưởng căng thẳng ở Biển Đỏ. Trong ảnh: May ba lô, túi xách xuất khẩu tại Công ty TNHH GT Line Á Châu.

Hàng qua Mỹ, châu Âu kéo dài thêm từ 10-15 ngày

Tuyến đường qua Biển Đỏ kết nối châu Á tới châu Âu, qua kênh đào Suez và Địa Trung Hải, được xem là huyết mạch của thương mại quốc tế. Đây là một trong những tuyến hàng hải huyết mạch quan trọng bậc nhất thế giới, chiếm khoảng 12% tổng lưu lượng giao thông hàng hải toàn cầu. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2023, do xung đột tại khu vực Biển Đỏ, nhiều hãng tàu đã phải thay đổi hải trình, không đi qua kênh đào Suez mà phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng, làm cho hành trình tàu kéo dài từ 10-15 ngày so với trước.

Sự việc trên dẫn tới nhiều tác động tiêu cực lên hoạt động thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh hưởng nhiều nhất là các DN XNK và cảng biển khi cước vận tải biển tăng cao, thời gian vận chuyển kéo dài và thiếu container rỗng. Được biết, hiện giá cước vận tải từ Việt Nam đi châu Âu tăng khoảng 120%; còn tuyến đi châu Mỹ  tăng từ 30-40%.

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) cho biết, đi đường vòng không những sẽ kéo dài hải trình mà thời gian container rỗng quay lại để đón hàng sẽ bị chậm lại, gây thiếu cục bộ các container rỗng để đóng hàng, giá cũng tăng.

“Khi container rỗng không quay về kịp thì tất cả những tuyến tàu mẹ đi bờ Đông nước Mỹ sẽ bị kéo dài ra gần một tháng thay vì chỉ từ 15-17 ngày. Điều này, làm mất tính cạnh tranh của CM-TV, vì từ đây tàu đi Mỹ, châu Âu nhanh nhất. Chưa kể khi DN XNK bị ảnh hưởng kéo theo hàng hóa thông qua cảng biển sẽ giảm”, ông Kỳ thông tin thêm.

Ngoài ra, việc các hãng tàu định tuyến lại vòng quanh mũi Hảo Vọng làm giảm 25% năng lực hiệu quả của các chuyến tàu vận chuyển tuyến Á - Âu. Thông tin từ Sở GT-VT cho thấy, từ tháng 2 hàng hóa thông qua cảng biển tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã giảm 3% so với tháng trước.

Cùng với chi phí tăng cao, việc các chuyến hàng cập cảng trễ hơn từ 1-2 tuần cũng khiến chuỗi cung ứng nguyên liệu vật tư bị đảo lộn, khiến cho DN không chủ động được đơn hàng cho đối tác.

Cần có biện pháp chế tài

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, tại thời điểm này chưa biết tình hình căng thẳng Biển Đỏ sẽ kéo dài bao lâu. Vì vậy, các bộ, ngành liên quan cần  theo dõi sát tình hình và diễn biến có thể diễn ra trong thời gian tới, nghiên cứu phương án và tuyến đường vận tải khả thi, tốt nhất thông tin cho DN.

Đồng thời, Cục Hàng hải Việt Nam cần có giải pháp bảo đảm hàng hóa, tàu thuyền vận chuyển được thông suốt, không có vướng mắc, giải phóng nhanh thủ tục tàu thuyền thông qua cảng với thời gian nhanh nhất. Đề nghị các hãng tàu cần duy trì các chuyến vận tải hàng hải, bổ sung thêm tàu, container rỗng bảo đảm lịch trình và nhu cầu XNK; thực hiện nghiêm quy định giá cước vận tải và phụ thu.

Song song đó, cần yêu cầu các hãng tàu thực hiện đúng quy định về niêm yết, về giá cước, phụ phí, xem xét thêm khả năng có hình thức vận tải đa phương thức như đường sắt, đường biển và hàng không. Việc này cần sự kết hợp của nhiều đơn vị vận tải khác nhau để có thể vượt qua tác động của căng thẳng Biển Đỏ.

Với các hiệp hội, ngành hàng cần tiếp tục bám sát tình hình, phối hợp với các bộ ngành, DN logistics để hỗ trợ DN XNK nhất trong hoạt động thương mại quốc tế. Các DN XNK khi đàm phán, ký kết các hợp đồng mua bán cần quan tâm, chú trọng tới hợp đồng (hoặc điều khoản) về vận chuyển, giao hàng và bảo hiểm nhằm bảo vệ DN trước rủi ro và tổn thất khi có sự cố, đặc biệt đối với hàng hóa đường biển đi qua tuyến đường này.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.