Đó là vấn đề đặt ra tại cuộc họp liên quan tới phụ thu ngoài giá container vận tải bằng đường biển do Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức vào ngày 12/3.
Việc các hãng tàu tăng phụ phí xếp dỡ cảng biển có nhiều điểm bất hợp lý. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại bãi container Cảng CMIT. |
Nhiều khoản tăng bất hợp lý
Từ tháng 2/2024, các hãng tàu tăng phụ phí xếp dỡ cảng biển (THC) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng biển Việt Nam từ 180-200 USD/container 40 feet và tăng giá khoảng 10 loại phí phụ thuộc khác, trong khi giá bốc dỡ mà các hãng tàu nước ngoài trả cho các cảng chỉ tăng khoảng từ 55-85 USD/container.
Các DN xuất nhập khẩu cho biết, 1 container 40 feet hàng nhập khẩu gỗ từ châu Âu về đã tăng trên 500 USD. DN hiện đang bị ảnh hưởng căng thẳng Biển Đỏ giờ lại thêm phụ phí tại cảng biển tăng khó chồng thêm khó.
Đáng chú ý, phần tăng này đã rất nhiều lần, DN không có quyền đàm phán với hãng tàu. Ngoài giá cước, phụ phí, các hãng tàu còn có những khoản tăng bất hợp lý. Một số phụ phí thường chỉ thu theo tính đột biến như phí mất cân bằng container, phụ phí khí thải nhưng hiện nay lại đi theo giá cước.
Trước thực trạng này, ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội chủ hàng Việt Nam cho rằng, hãng tàu cần đưa ra mức giá phù hợp để các bên kinh doanh có lãi, nhưng vẫn hỗ trợ lẫn nhau. Nhà nước cần xem xét, điều chỉnh các quy định pháp lý liên quan trong đó có việc đưa phụ phí vào danh mục phải kê khai.
Đại diện hãng tàu giải thích, thời gian qua các hãng tàu gặp nhiều khó khăn, kinh doanh dưới mức hòa vốn. Trong khi thế giới có nhiều biến động gây khó khăn cho các hãng tàu. Việt Nam cũng là nước xuất siêu nên lượng container luôn thiếu. Việc tăng dựa trên các dịch vụ mà hãng tàu cung cấp và mức tăng giá được quyết định bởi tổng công ty tại nước ngoài sau khi cân nhắc, nghiên cứu các yếu tố thị trường.
Là hãng tàu hiếm hoi không tăng phí THC thời gian qua, đại diện hãng tàu Maersk Lines tại Việt Nam thông tin, hãng vẫn đang xem xét, nghiên cứu thị trường, nhu cầu của khách hàng và việc cung cầu. Các phụ phí của hãng đều được quyết định ở cấp vùng. Đại diện Maersk Lines bày tỏ mong muốn bình ổn thị trường, nhưng khẳng định nếu có kế hoạch tăng phí THC, hãng sẽ đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Tàu MSC làm hàng tại cảng SSIT. |
Cần có giải pháp kiểm soát chặt
Việc tăng phí THC dường như chưa có cơ chế minh bạch, rõ ràng. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét hành lang pháp lý để có cơ chế quản lý các mức phụ thu của hãng tàu sao cho phù hợp. Theo ông Lê Văn Thức, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, tình trạng hãng tàu tăng phụ phí thực tế từng xảy ra vào đầu năm 2021. Lúc đó, có những hãng tàu thậm chí tăng 20% phí THC. “Pháp luật của Việt Nam hiện không cấm các hãng tàu tăng phụ phí và để giá cước, phụ phí theo quy luật thị trường, nhưng phải có giải trình rõ ràng. Kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, thanh tra, kiểm tra các hãng tàu liên quan để xác định bản chất các vấn đề nhằm giải quyết triệt để những vướng mắc tồn tại”, ông Thức nhấn mạnh.
Đồng thời, cần xem xét sòng phẳng, minh bạch, so sánh cơ chế luật pháp của Việt Nam với quốc tế, lưu ý đối tượng cần xem xét, quản lý như thế nào phù hợp. Tăng năng lực cạnh tranh của chính các chủ hàng, các DN tham gia chuỗi logistics để đưa ra các giải pháp tổng thể, cũng như phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế, đảm bảo tính tự lực tự cường, không bị phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài.
Ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam khẳng định, Chính phủ đang tìm các phương án để giảm giá thành chi phí logistics. Việc các hãng tàu tăng phụ phí một cách vô lý là điều khó chấp nhận. Do đó, đề nghị các hãng tàu cần xem xét lại và có những điều chỉnh để cân bằng, phù hợp, hỗ trợ DN.
“Thời gian tới, Bộ GT-VT sẽ có những biện pháp quản lý để hài hòa các bên liên quan, cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN. Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức các đoàn thanh kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các công ty môi giới, đại lý bằng cơ chế, hành lang pháp lý của Việt Nam. Sai ở đâu, xử lý đến đó”, ông Lê Đỗ Mười thông tin thêm.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN