Xúc tiến dự án kéo điện ra Côn Đảo

Thứ Năm, 14/03/2024, 18:11 [GMT+7]
In bài này
.

Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các địa phương liên quan khẳng định, sẽ phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục cần thiết để dự án “kéo” điện lưới quốc gia tới Côn Đảo bảo đảm tiến độ.

Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn đã tìm được hướng tuyến phù hợp nhất trong việc  kéo lưới điện ra Côn Đảo. Trong ảnh: Đoàn công tác khảo sát tại khu vực Bãi Ông Câu-điểm tiếp bờ của dự án.
Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn đã tìm được hướng tuyến phù hợp nhất trong việc kéo lưới điện ra Côn Đảo. Trong ảnh: Đoàn công tác khảo sát tại khu vực Bãi Ông Câu-điểm tiếp bờ của dự án.

Tìm được phương án tối ưu

Đoàn công tác của Bộ Công thương, EVN cùa có buổi làm việc với UBND tỉnh về dự án cung cấp điện từ lưới điện quốc gia cho Côn Đảo.

Theo đại diện EVN, dự án này đã được Thủ tướng phê duyệt, giao EVN làm chủ đầu tư bao gồm trạm biến áp 110kV Côn Đảo và mở rộng 1 ngăn lộ tại trạm biến áp 220kV Vĩnh Châu.

Đến nay, qua khảo sát thực tế, đơn vị tư vấn đã lựa chọn được hướng tuyến phù hợp nhất trong việc kéo lưới điện ra Côn Đảo, hạn chế thấp nhất việc thu hồi, giải phóng mặt bằng và tác động đến đất rừng. Cụ thể, với đoạn cuối tuyến tại huyện Côn Đảo, đoạn cáp ngầm chủ yếu đi theo tuyến hành lang đường giao thông và dọc theo đường tuần tra bảo vệ rừng hiện hữu nên không tác động đến diện tích đất có cây rừng. Vì vậy không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng.

Trước đó, Đoàn công tác cũng đã làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng. Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng khẳng định, địa phương ủng hộ, tạo mọi điều kiện tốt nhất để thực hiện dự án kéo điện ra Côn Đảo.

Còn điểm tiếp bờ gồm hầm cáp và điểm chuyển tiếp phục vụ hoạt động đấu nối, bảo trì tại bãi Ông Câu, huyện Côn Đảo có diện tích thiết kế khoảng 300m2. Toàn bộ diện tích này thuộc đất rừng đặc dụng nhưng không có cây rừng nên không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tuy nhiên, vẫn thực hiện thủ tục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất rừng theo quy định.

Còn vị trí xây dựng trạm biến áp 110kV với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.800m2 thuộc khu đất Nhà máy điện An Hội, huyện Côn Đảo do Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu sử dụng từ năm 2014 đến nay. Khu đất này theo Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 là đất công trình năng lượng, nên không cần phải thực hiện thủ tục thu hồi đất.

Việc thống nhất được tuyến đường dây kéo điện ra Côn Đảo là bước tiến quan trọng để chủ đầu tư dự án có thể hoàn thành theo đúng thời hạn do Chính phủ đề ra.

Nhà máy điện An Hội là nơi xây dựng trạm biến áp 110kV để
Nhà máy điện An Hội là nơi xây dựng trạm biến áp 110kV để "hòa" Côn Đảo vào lưới điện quốc gia.

Hoàn thiện thủ tục, bảo đảm tiến độ dự án

Theo ông Lê Thành Chung, Trưởng ban Đầu tư EVN, việc triển khai dự án có nhiều thuận lợi, nhưng vẫn còn những thủ tục cần giải quyết. Cụ thể, EVN kiến nghị Bộ TN-MT nhanh chóng xem xét, nhanh chóng phê duyệt kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Các bộ, ban, ngành sớm có ý kiến thẩm định chủ trương đầu tư và báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. “Với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, EVN đề nghị tỉnh xem xét chấp thuận phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của huyện Côn Đảo để dự án sớm đi vào triển khai”, ông Lê Thành Chung nói.

Tiếp và làm việc với Đoàn công tác, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, dự án kéo điện kéo điện ra Côn Đảo không chỉ có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của địa phương mà còn góp phần bảo đảm quốc phòng-an ninh và chủ quyền biển đảo quốc gia. Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, huyện Côn Đảo phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư và đơn vị liên quan trong quá trình triển khai dự án. Về gần 266m2 đất rừng thuộc dự án phù hợp với quy hoạch của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, do đó, UBND tỉnh sẽ nhanh chóng hoàn thiện thủ tục trình HĐND tỉnh phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất rừng phục vụ kéo điện ra huyện Côn Đảo.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, sự phối hợp chặt chẽ của EVN và các địa phương. Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, dự án được phải được khởi động trong tháng 4 tới đây, nếu không sẽ “lỡ nhịp” từ 1 đến 2 năm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn của dự án. Do đó, chủ đầu tư và các địa phương cần bám sát, phối hợp chặt chẽ để bảo đảm dự án được triển khai đúng kế hoạch.

Bài, ảnh: QUANG VINH

 
;
.