Sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ Công thương có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá từ 6 tháng xuống 3 tháng giúp việc điều hành giá điện linh hoạt, hiệu quả hơn với tình hình kinh tế từng giai đoạn. Trong ảnh: Nhân viên Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu bảo trì lưới điện tại phường 12, TP. Vũng Tàu. |
Theo đó, một điểm đáng chú ý trong dự thảo là thẩm quyền điều chỉnh giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được nới rộng hơn lên tới 5%, với chu kỳ 3 tháng/lần. Như vậy, EVN được tự quyết định việc giảm hoặc tăng ở mức dưới 5%; Bộ Công Thương có văn bản chấp thuận để EVN quyết định điều chỉnh, tăng từ 5% đến dưới 10%; Thủ tướng Chính phủ sẽ có ý kiến để EVN quyết định điều chỉnh khi tăng từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.
Để điều chỉnh giá điện theo lộ trình, tránh giật cục như chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, giảm thiểu tác động đến kinh tế vĩ mô và khách hàng sử dụng điện, Bộ Công thương cho rằng cần rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá.
Việc này nhằm bảo đảm chi phí không bị dồn tích quá nhiều có thể gây ảnh hưởng cân bằng tài chính EVN, đưa giá điện thích ứng với sự biến động của thông số đầu vào theo thị trường.
Do đó, dự thảo đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá từ 6 tháng xuống 3 tháng. Quy định này nhằm giúp việc điều hành giá điện linh hoạt, hiệu quả hơn với tình hình kinh tế vĩ mô ở từng giai đoạn.
Bộ Công thương sẽ có vai trò chính trong điều hành giá điện, song Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cũng có vai trò trong quá trình kiểm tra, rà soát phương án giá điện do EVN xây dựng và trong quá trình kiểm tra, điều chỉnh giá điện. Bộ Công thương sẽ tổng hợp các ý kiến để báo cáo Thủ tướng.
HÀN GIANG