Bà Rịa-Vũng Tàu hướng tới mục tiêu Net Zero

Chủ Nhật, 03/03/2024, 17:15 [GMT+7]
In bài này
.

Bà Rịa- Vũng Tàu là 1 trong 28 tỉnh, thành phố chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong rất nhiều các yếu tố để bảo đảm phát triển, quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bàn đến nhiều giải pháp thích ứng với BĐKH. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT), đơn vị tư vấn lập quy hoạch chung của tỉnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu.

Phóng viên: BĐKH tác động như thế nào đến sự phát triển kinh tế của tỉnh cũng như đời sống của người dân, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Vịnh: Trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện những đợt mưa lớn kéo dài và những cơn bão mạnh đổ bộ trực tiếp vào tỉnh ngày càng nhiều hơn, gây ngập lụt cục bộ tại một số tuyến đường và thiệt hại về kinh tế dẫn đến đời sống người dân gặp khó khăn. BĐKH còn làm gia tăng tình trạng sạt lở bờ biển ở một số địa phương trong tỉnh, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Biến động bất thường của biển đã từng gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng đối với vùng ven bờ, bồi lấp luồng lạch các cửa sông, ven biển của tỉnh. Các khu vực đáng lo ngại nhất về xói lở và bồi lấp đã được nghiên cứu, xác định là khu vực Cửa Lấp (TP.Vũng Tàu), xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền), khu vực cửa Lộc An (huyện Đất Đỏ), khu vực Hồ Tràm, Hồ Cốc và Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). Như vậy, chắc chắn các ngành du lịch, nuôi trồng thủy hải sản và nghề đánh bắt ven bờ, các công trình xây dựng, cảng, đường giao thông và cư dân sinh sống ven bờ sẽ chịu ảnh hưởng lớn.

Theo kịch bản BĐKH, đến 2050 nước biển sẽ dâng cao thêm 33cm. Quy luật động lực sóng, chiều rộng bãi biển cát bị xói lở sẽ từ 330-3.300m, có nghĩa là một phần lớn dải đất thấp ven bờ phía Đông của tỉnh, nơi tập trung cơ sở hạ tầng du lịch và nghề nuôi trồng và chế biến thủy sản, nơi cư trú của hàng vạn hộ gia đình sẽ bị sóng phá hủy. Vùng đất thấp dọc sông Thị Vải, nơi tập trung các khu công nghiệp của tỉnh thậm chí còn bị đe dọa trầm trọng hơn vì định vị trên vùng sụt hạ địa chất.

Quy hoạch chung của tỉnh đã tính toán đến các phương án quy hoạch đô thị, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế. Trong ảnh: Các dự án du lịch dọc biển Long Hải- Phước Hải.
Quy hoạch chung của tỉnh đã tính toán đến các phương án quy hoạch đô thị, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế. Trong ảnh: Các dự án du lịch dọc biển Long Hải- Phước Hải.

Thưa ông, với những cảnh báo đó, thực hiện quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vấn đề BĐKH cần được giải quyết như thế nào?

-Trong quy hoạch giai đoạn mới, chúng tôi đã đưa ra các giải pháp chung là tăng cường năng lực và thể chế chính sách; giải pháp về khoa học và công nghệ; giải pháp huy động nguồn lực. Trong đó tập trung các vấn đề như xây dựng cơ sở dữ liệu về BĐKH; đánh giá tác động của BĐKH đến đời sống nhân dân và cơ sở hạ tầng khu vực dân cư ven biển; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm thống nhất từ cấp tỉnh đến các ngành, các địa phương; xây dựng ý thức phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai của các cấp, các ngành và mọi người dân, đặc biệt là ở các vùng dễ bị tác động trực tiếp do BĐKH...

Đồng thời, tăng cường, chủ động, kết nối với các bộ ngành, Trung ương huy động nguồn kinh phí để triển khai thực hiện các dự án về BĐKH; kêu gọi sự tham gia rộng rãi của các DN và cộng đồng trong thực hiện các hoạt động ứng phó với BĐKH.

Ngoài ra cũng cần phải có giải pháp cụ thể đối với từng khu vực. Đặc biệt với khu vực ven biển, hải đảo cần xây dựng hành lang, khu vực kinh tế ven biển và quy hoạch các ngành nghề có tính đến BĐKH và nước biển dâng. Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các cảng cá, các khu tránh, trú bão cho tàu thuyền. Xây dựng, hoàn thiện các hệ thống đê, kè ven sông, ven biển; bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng ngập mặn bảo đảm an toàn dân cư, sản xuất và cơ sở hạ tầng ven biển...

Các khu vực còn lại phải xây dựng hệ thống tưới tiêu trong nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và tiết kiệm. Có các giải pháp lưu trữ nguồn nước sạch, tiết kiệm nước, ưu tiên cho hoạt động dân sinh… Bên cạnh đó, cũng cần điều chỉnh quy hoạch đất các đô thị, khu vực dân cư nông thôn. Đồng thời, tổ chức điều tra, đánh giá và khoanh định vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất để chống suy thoái cạn kiệt nguồn nước.

Cùng với các giải pháp KH-CN, cơ quan chức năng của tỉnh cũng cần triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo vệ vùng cửa sông, ven biển như kiên quyết cấm khai thác cát vùng cửa sông, ven biển, nhất là tại các khu vực thường xảy ra tình trạng sạt lở.

Như ông đã nói, quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ phát triển theo hướng cân bằng và bền vững. Mục tiêu này hướng đến việc giảm nhẹ những tác động từ BĐKH như thế nào, thưa ông?

- Trong xu thế chung, chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) nhằm hạn chế những tác động tiêu cực do BĐKH. Do đó, trong quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng hướng tới mục tiêu Net Zero.

Ngoài ra, điểm nhấn quan trọng của quy hoạch lần này là xác định rõ hơn, rạch ròi hơn trong quy hoạch vùng bảo vệ tài nguyên nước cho sự phát triển của địa phương đó là vùng sông Ray, sông Dinh và các vùng đệm. Đồng thời, tạo ra không gian xanh, hành lang kinh tế hàng hải, hành lang công nghiệp... nhằm hạn chế tối đa những tác động đến môi trường, giảm nhẹ những tác động tiêu cực từ BĐKH.

Quy hoạch là vậy nhưng quan trọng hơn chính là việc triển khai thực hiện quy hoạch với những tiêu chuẩn mà trong quá trình điều hành phải duy trì bền vững. Không chỉ môi trường bền vững mà xã hội, quốc phòng - an ninh cũng phải cân bằng và bền vững.

Trân trọng cảm ơn ông!

QUANG VŨ
(Thực hiện)

;
.