Ngày 22/2, tại TP.Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn chủ trì buổi làm việc với đại diện Sở GT-VT các địa phương: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Bình Dương để tiếp nhận báo cáo nghiên cứu, đồng thời chỉ đạo các nội dung liên quan quy hoạch, đầu tư đường Vành đai 4.
Tuyến Vành đai 4 có tổng chiều dài 206,8km đi qua 5 tỉnh, thành phố. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dài 18,7km, Đồng Nai 45,6km, Bình Dương 47,45km; TP.Hồ Chí Minh 17,3km và Long An 78,3km.
Ở giai đoạn 1, dự án có bề rộng mặt đường từ 22-27m, bao gồm 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Tổng mức đầu tư giai đoạn này khoảng 105,964 ngàn tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng 33,095 ngàn tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 47,258 ngàn tỷ đồng, các chi phí quản lý dự án và tư vấn khoảng 25,611 ngàn tỷ đồng. Trừ đoạn thuộc Long An, đoạn tuyến Vành đai 4 của các địa phương còn lại đều thuộc nhóm A theo Luật Đầu tư công.
Về phía Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT tỉnh thông tin, hiện tỉnh đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Lãnh đạo tỉnh nhận định đây là dự án rất quan trọng giúp kết nối cảng Cái Mép-Thị Vải với sân bay Long Thành, thúc đẩy kinh tế địa phương và liên kết vùng. Tuy nhiên, các vấn đề về giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng, nguồn vật liệu, nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương hiện chưa có cơ chế, hướng dẫn nên vẫn đợi Tỉnh ủy thống nhất phương án gửi Bộ GT-VT để trình Chính phủ xem xét.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đề nghị Sở GT-VT các tỉnh có tuyến Vành đai 4 đi qua khẩn trương đối chiếu, rà soát quy hoạch hiện hữu để triển khai dự án. Các cơ quan thuộc Bộ GT-VT như Cục Đường bộ, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Viện Chiến lược và phát triển GT-VT tích cực bám sát các địa phương để tham mưu cho Bộ GT-VT khẩn trương hoàn thiện quy hoạch chi tiết, phân tích lưu lượng giao thông qua tuyến.
Các địa phương cần gấp rút đối chiếu, rà soát lại quy hoạch của tỉnh xem hướng tuyến được duyệt chưa, hiện trạng KCN, khu dân cư ra sao để từ đó bố trí các nút giao phù hợp.
TRÀ NGÂN