Thu hút 2 tỷ USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là mục tiêu quan trọng của Bà Rịa-Vũng Tàu trong năm 2024. Chính quyền, chủ đầu tư hạ tầng KCN trên địa bàn tỉnh đang tăng tốc ngay từ đầu năm để hoàn thành mục tiêu này.
Tập đoàn Hyosung liên tục lựa chọn Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương để đầu tư 3 dự án lớn với nguồn vốn dự kiến 1,66 tỷ USD thể hiện sức hút của tỉnh với các nhà đầu tư quốc tế. Trong ảnh: Đại diện tập đoàn Hyosung tặng quà lưu niệm tới Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ tại buổi làm việc ngày 31/1. |
Dự án lớn “xông đất”
Cuối tháng 1 vừa qua, cũng là thời điểm cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Hyosung, Hàn Quốc nghe báo cáo về dự án sản xuất HVO (dầu diesel tái tạo, nhiên liệu hàng không bền vững được sản xuất thông qua xử lý dầu và chất béo từ xúc tác hydro) tại KCN Phú Mỹ 2, TX.Phú Mỹ.
Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến gần 400 triệu USD, trên diện tích 8,4ha. Sản lượng dự kiến 234 triệu tấn nhiên liệu hàng không bền vững/năm. Đại diện Hyosung cho biết, đây là một trong những dự án sử dụng công nghệ mới tại Việt Nam, sản xuất ra sản phẩm thân thiện với môi trường do sử dụng nguồn nguyên liệu sinh học tinh chế như dầu ăn đã qua sử dụng, dầu cá, dầu cọ, mỡ động vật. Công nghệ này giúp giảm 73-84% lượng khí thải carbon so với nhiên liệu thông thường.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, Hyosung, một “đại bàng” trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất của thế giới đầu tư 3 dự án có quy mô lớn tại Bà Rịa-Vũng Tàu, với tổng mức đầu tư dự kiến 1,66 tỷ USD. Một con số ấn tượng cho thấy sức hút của tỉnh với các nhà đầu tư quốc tế. Cùng với đó, đây đều là các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Sản phẩm được sản xuất ra đều là nguyên, nhiên liệu của các ngành công nghiệp xanh, góp phẩn giảm phát thải ra môi trường.
Khu công nghiệp Sonadezi Châu Đức đã đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư lớn. |
Ông Choi Young Gyo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hyosung Vina cho biết, các dự án đều nhận được sự hỗ trợ tối đa của các sở, ban, ngành tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nên quá trình triển khai rất thuận lợi. DN đang tiếp tục nỗ lực và đang rất tự tin các dự án này sẽ đi vào hoạt động đúng kế hoạch đề ra, góp phần vào sự phát triển của DN và của tỉnh.
Công ty TNHH Công nghệ điện tử nghe nhìn BOE Bắc Kinh (Trung Quốc) là DN đầu tiên chính thức được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu trong năm 2024, với tổng số vốn khoảng 278 triệu USD. Mục tiêu của dự án sau khi hoàn thành là lắp ráp và sản xuất màn hình cho máy vi tính (MNT) 7 triệu chiếc/năm; lắp ráp và sản xuất tivi 3 triệu chiếc/năm; sản xuất bảng giá điện tử (ESL) 40 triệu chiếc/năm; sản xuất mô-đun bảng giá điện tử (ESL) 20 triệu chiếc/năm; sản xuất cấu kiện nhựa 20 triệu chiếc/năm; sản xuất bo mạch SMT 44,75 triệu chiếc/năm...
Theo Sở KH-ĐT, tính đến hết tháng 1, tỉnh cấp mới và tăng vốn đầu tư cho 3 dự án FDI với tổng vốn khoảng 356 triệu USD. Đây là khởi đầu thuận lợi để hoàn thành mục tiêu thu hút 2 tỷ USD nguồn vốn FDI vào Bà Rịa - Vũng Tàu trong năm 2024.
Sản xuất tại nhà máy Polypropylene và kho chứa khí ngầm có tổng vốn đầu tư 1,35 tỷ USD đi vào hoạt động từ năm 2021. Đây là dự án lớn đầu tiên của Tập đoàn Hyosung đầu tư tại Bà Rịa-Vũng Tàu. |
Khơi thông nguồn lực để hút nhà đầu tư
Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, trong thời gian qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính, với mục tiêu tạo ra môi trường, hệ sinh thái kinh doanh tốt nhất cho DN, nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài. Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng và nội tỉnh, với nhiều tuyến đường đang được triển khai khẩn trương như: Đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận (ĐT 994), cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An... Các tuyến đường này hình thành sẽ mở ra không gian phát triển mạnh mẽ cho tỉnh và tăng sức hút của Bà Rịa - Vũng Tàu với các nhà đầu tư.
Tỉnh cũng có các giải pháp phát triển hệ thống trung tâm logistics và cảng trung chuyển quốc tế tại Cái Mép - Thị Vải; triển khai Đề án phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại Phú Mỹ; xây dựng chiến lược phát triển mạnh du lịch tại khu vực ven biển từ Vũng Tàu đến Bình Châu và huyện Côn Đảo… Cùng với đó, tỉnh đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao tỷ lệ lao động có tay nghề; tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo chiều sâu, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh…
Thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ duy trì lịch tiếp và làm việc với DN vào chiều thứ Năm hàng tuần nhằm kịp thời ghi nhận, giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của nhà đầu tư. Cùng với đó, Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn của DN (Tổ 997) do Chủ tịch UBND tỉnh cũng hoạt động hiệu quả; đến nay, đã giải quyết xong 18 kiến nghị của các DN liên quan đến các vấn đề về quy hoạch, thủ tục đất đai, xây dựng, thuế… |
Trong thu hút đầu tư, không chỉ có nỗ lực của chính quyền tỉnh, các chủ đầu tư hạ tầng KCN cũng chủ động, nỗ lực chuẩn bị sẵn nguồn lực về đất đai, con người nhằm tạo ra chuỗi cung ứng kết hợp giữa cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại với vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên, giúp khách hàng tối ưu hóa chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận và mở ra cơ hội phát triển bền vững.
Theo ông Tạ Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ (chủ đầu tư KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3), thời gian qua, KCN đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới. Để có được thành quả này, DN luôn chủ động tham gia, hợp tác với các tổ chức kinh tế-thương mại có quy mô toàn cầu. “Chúng tôi cũng liên tục tổ chức các chương trình khảo sát, xúc tiến đầu tư, quảng bá rộng rãi hình ảnh và môi trường đầu tư của cả nước nói chung và KCN Phú Mỹ 3 nói riêng”, ông Bảo nói.
Vừa qua, tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 1/2024, xác định thời gian tới sẽ có rất nhiều công việc phải giải quyết, ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu, các sở, ngành, địa phương nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, tiếp tục thay đổi lề lối làm việc, đưa ra giải pháp rõ ràng, thực chất để khơi thông nguồn lực, khai thác hiệu quả không gian kinh tế, tài nguyên để thu hút nhà đầu tư.
Bài, ảnh: QUANG VINH