Nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Thứ Hai, 19/02/2024, 18:06 [GMT+7]
In bài này
.

Phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân khu vực nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng, giữ vai trò “đòn bẩy” mà các địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả, hướng tới xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu.

Chủ tịch UBND huyện Châu Đức Nguyễn Tấn Bản cho biết, chương trình OCOP tại huyện Châu Đức thực sự  đã mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần  phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân. Trong ảnh: Ông Nguyễn Tấn Bản thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm của HTX Ca cao Thành Đạt, xã Xà Bang (huyện Châu Đức).
Chủ tịch UBND huyện Châu Đức Nguyễn Tấn Bản cho biết, chương trình OCOP tại huyện Châu Đức thực sự đã mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân. Trong ảnh: Ông Nguyễn Tấn Bản thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm của HTX Ca cao Thành Đạt, xã Xà Bang (huyện Châu Đức).

Khơi dậy tiềm năng của địa phương

Sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020, xã An Ngãi (huyện Long Điền) tiếp tục bắt tay vào xây dựng NTM kiểu mẫu. Theo đó, xã đã tập trung các nguồn lực, khơi dậy tiềm năng thế mạnh của địa phương, phát triển làng nghề tráng bánh truyền thống gắn với du lịch, đặc biệt là hỗ trợ, khuyến khích DN, HTX và nông dân ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất như: nuôi tôm công nghệ cao, muối trải bạt… góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

Với 24 ao nuôi/gần 10ha, cơ sở nuôi tôm an toàn sinh học CP.Biotic Farming của ông Nguyễn Văn Lạc (ấp An Thạnh) cho thu hoạch mỗi năm hơn 200 tấn tôm thẻ chân trắng, lợi nhuận thu về đạt từ 15-25% trên tổng doanh thu (tùy theo từng thời điểm thu hoạch vụ tôm).

Bên cạnh đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, cơ sở nuôi tôm Mạnh Cường 2 của ông Nguyễn Văn Lạc còn tạo việc làm thường xuyên cho 24 lao động là con em hội viên nông dân khó khăn, với mức thu nhập ổn định từ 7-9 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi đó, ở một số địa phương lại hình thành vùng chuyên canh sản xuất theo hướng hàng hóa. Tại xã Xà Bang (huyện Châu Đức), với 3.343ha diện tích sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là đất đỏ bazan phù hợp với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, dần hình thành vùng sản xuất chuyên canh như: sầu riêng, bơ, thanh long, ca cao, nấm linh chi…

HTX Sầu riêng Liên Đức, xã Xà Bang được thành lập vào năm 2023 với 13 thành viên, HTX đã liên kết với 38 hộ nông dân trên địa bàn canh tác gần 100ha sầu riêng theo hướng hữu cơ.

Giám đốc HTX Đoàn Đức Hòa cho biết, được sự hỗ trợ của các sở ngành, chính quyền địa phương, năm 2023, gần 100ha sầu riêng Ri6 và sầu riêng Thái của HTX đã được cấp mã vùng xuất khẩu chính ngạch nên giá rất tốt. Đến vụ thu hoạch, toàn bộ sản lượng sầu riêng được HTX đứng ra làm đầu mối để tiêu thụ. Do được áp dụng các khâu kiểm soát nghiêm ngặt nên sản phẩm được tiêu thụ với giá cao hơn so với sản xuất truyền thống.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức, thực hiện Đề án số 04 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 và Đề án phát triển nông nghiệp huyện Châu Đức đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đến nay toàn huyện có 4.204ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, hỗ trợ các HTX, DN đăng ký, cấp 7 mã vùng xuất khẩu với diện tích hơn 304ha và 2 mã vùng nội địa với diện tích 9,2ha, tập trung chủ yếu các loại cây ăn trái như thanh long, sầu riêng.

Khu vực ấp An Thạnh, xã An Ngãi (dọc Tỉnh lộ 44A) hiện đã hình thành 30ha nuôi tôm công nghệ cao, 15ha sản xuất muối trải bạt.
Khu vực ấp An Thạnh, xã An Ngãi (dọc Tỉnh lộ 44A) hiện đã hình thành 30ha nuôi tôm công nghệ cao, 15ha sản xuất muối trải bạt.

Thu nhập người dân nông thôn ngày càng tăng cao

Theo ông Lương Tuấn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã An Ngãi, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân là tiêu chí hết sức quan trọng trong xây dựng NTM. Bởi có thu nhập ổn định thì người dân mới nâng cao được chất lượng cuộc sống.

Do đó, xã đã chủ động đổi mới hình thức sản xuất, từ sản xuất nhỏ lẻ manh mún sang sản xuất tập trung, ưu tiên phát triển chuỗi liên kết, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và sử dụng đất đai có hiệu quả. Cùng với việc quan tâm phát triển nông nghiệp, An Ngãi còn đặc biệt chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, ngành nghề nông thôn. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân xã An Ngãi hơn 88 triệu đồng/năm, tăng 10 triệu đồng so với đầu năm 2022; hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu.

Tại huyện Châu Đức, trong năm 2023, các xã: Nghĩa Thành, Bình Ba, Xà Bang, Cù Bị hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2022-2025. Hiện trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo chuẩn tỉnh; thu nhập bình quân của người dân tại các xã NTM kiểu mẫu là 88.049.000 đồng/người/năm.

Theo ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, việc nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được đặt ra không chỉ đối với các xã đã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, mà đối với tất cả các địa phương của huyện Châu Đức. Chính vì vậy, trong điều kiện thực tế hiện nay, để đạt được mục tiêu không ngừng nâng cao thu nhập, cuộc sống người dân, cấp ủy, chính quyền các địa phương vẫn cần chú trọng khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng đất đai thông qua việc đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng sản phẩm OCOP…

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG

 
;
.