Phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn sinh học đang là hướng đi đúng đắn nhằm giúp người chăn nuôi chủ động phòng chống dịch bệnh, áp dụng khoa học - kỹ thuật, hạn chế ô nhiễm môi trường.
HÌNH THÀNH CÁC MÔ HÌNH CHĂN NUÔI AN TOÀN SINH HỌC
Mô hình chăn nuôi gà hệ thống chuồng lạnh khép kín của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đông Nam Toàn Cầu, ở xã Suối Rao đang nuôi 80 ngàn con gà/lứa trong chuồng lạnh trên diện tích gần 7.000m2. Bình quân 1 năm, DN nuôi khoảng 3 lứa gà, sau khi trừ các chi phí thu nhập hơn 1 tỷ đồng.
Ông Phạm Hồng Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đông Nam Toàn Cầu cho biết, toàn bộ gà giống được nuôi với công nghệ chuồng lạnh khép kín, DN chủ động kiểm soát, ngăn chặn tối đa mầm bệnh và các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Nhờ vậy, tỷ lệ hao hụt thấp so với các mô hình chăn nuôi khác. Mặt khác, toàn bộ đầu ra công ty bao tiêu hết.
Chăn nuôi gà trong chuồng lạnh của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đông Nam Toàn Cầu, huyện Châu Đức. |
Trang trại chăn nuôi heo của ông Phạm Xuân Hùng (thôn 3, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) là một trong những trang trại nuôi heo áp dụng chăn nuôi chuồng lạnh. Hiện, trang trại của ông Hùng đang nuôi gia công cho Tập đoàn CJ Vina Agri của Hàn Quốc với quy mô 5.000 con, diện tích chuồng trại khoảng 7.000m2.
Năm 2013, gia đình ông Hùng đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây dựng trang trại chăn nuôi heo theo hệ thống chuồng lạnh. Ban đầu chỉ nuôi thử nghiệm 3.000 con heo thịt. Đến năm 2015, thấy việc nuôi trong chuồng lạnh heo phát triển tốt, gia đình ông đã mở rộng quy mô chuồng trại và đàn heo lên 5.000 con. Các chuồng nuôi heo được xây dựng khép kín, hệ thống máy lạnh, quạt gió duy trì nhiệt độ ổn định ở mức 27oC, hệ thống xử lý chất thải bảo đảm thu dọn sạch, khử mùi tốt.
Với phương pháp chăn nuôi chuồng lạnh, heo tăng trọng nhanh, ít bệnh, tiết kiệm được chi phí thuốc men, thức ăn, nhân công do hệ thống cho ăn tự động. Nhờ đó, thời gian nuôi được rút ngắn, chất lượng của thịt heo đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Lợi nhuận tăng lên khoảng 10% so với mô hình nuôi truyền thống.
PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI THEO CHUỖI
Định hướng phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh là chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại tập trung theo hướng an toàn sinh học; ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ trong chăn nuôi. Vì vậy, tỉnh đã quy hoạch 34 vùng chăn nuôi tập trung tại TP. Bà Rịa, TX. Phú Mỹ và các huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Long Điền và Châu Đức.
Trên cơ sở các vùng đã được quy hoạch, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn, theo hướng trang trại, gia trại nhằm kiểm soát dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của thị trường.
Chăn nuôi heo trong chuồng lạnh của trang trại heo Trang Linh, huyện Xuyên Mộc. |
Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết, thực tế, các mô hình chăn nuôi chuồng lạnh mang lại hiệu quả rất tốt cho người chăn nuôi và cho xã hội. Vì đây là mô hình chăn nuôi thân thiện với môi trường, ít xảy ra bệnh dịch cho vật nuôi, ít sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi nên chất lượng thịt bảo đảm an toàn. Địa phương tạo mọi điều kiện, khuyến khích các DN đầu tư vào các mô hình chăn nuôi, giúp người chăn nuôi tham gia liên kết chuỗi… có thể truy xuất nguồn gốc.
Theo báo cáo của ngành NN-PTNT, trên địa bàn tỉnh có 175 trang trại chăn nuôi, trong đó có 132 trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Hầu hết các trang trại, cơ sở chăn nuôi đã được quy hoạch cách xa khu dân cư, đầu tư đầy đủ cơ sở hạ tầng, có hệ thống xử lý chất chất thải bằng hầm biogas, hạn chế rủi do dịch bệnh; đồng thời áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn, có sản lượng sản phẩm lớn làm hàng hoá, mang lại giá trị kinh tế cao trong chăn nuôi. Đây cũng chính là cơ sở để ngành chăn nuôi BR-VT phát triển ổn định, bền vững, đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe con người và tiến tới sản xuất hàng hóa phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu.
Bài, ảnh: SONG BÌNH
Theo Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, ngân sách nhà nước hỗ trợ như sau: (1) Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết: 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết cho chủ trì liên kết bao gồm tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường. (2) Hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết: 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: Nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đối với dự án liên kết trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. (3) Hỗ trợ 50% chi phí thực hiện mô hình bao gồm, chi phí mua giống, thiết bị, vật tư thiết yếu cho các hợp tác xã, trang trại để xây dựng mô hình liên kết điểm. (4) Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của HTX cho các bên tham gia liên kết. (5) Hỗ trợ 40% chi phí, nhưng không quá 300 triệu đồng/dự án liên kết khi áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP)… Để biết thêm chi tiết về Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND và có nguyện vọng tham gia chuỗi liên kết trong chăn nuôi, vui lòng liên hệ với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, qua địa chỉ email: giangknbr@gmail.com. |