Ngành TN-MT được chọn là một trong những lĩnh vực đầu tiên phải có trong mắt xích của “đô thị thông minh, chính quyền điện tử” của tỉnh. Vì vậy, nhiều năm qua, Sở TN-MT đã nỗ lực đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số (CĐS) để quản lý ngành hiệu quả và để người dân được hưởng lợi.
Ngành TN-MT đã đưa nhiều ứng dụng vào phục vụ công tác quản lý, giúp người dân, DN tiếp cận nhanh hơn với lĩnh vực đất đai. Trong ảnh: Nhân viên Chi nhánh VP Đăng ký đất đai TP. Bà Rịa xử lý hồ sơ đất cho người dân qua ứng dụng chuyên ngành. |
Quản lý trên không gian số
Ông Phạm Huỳnh Quang Hiếu, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở TN-MT) cho biết, với mục tiêu góp phần tăng hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực TN-MT, từ năm 2018 đến nay Sở TN-MT đã tập trung thực hiện CĐS trong các hoạt động quản lý ngành TN-MT. Đến nay, trên 100% các văn bản của ngành TN-MT đã được trao đổi trên hệ thống quản lý văn bản điều hành kết hợp chữ ký số; thực hiện chỉ đạo điều hành thông qua email và tin nhắn; quản lý tiến độ trên file và phần mềm chuyên dụng. Bên cạnh đó, Sở đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở các mức độ 3 và 4 với 107/116 tổng số dịch vụ công (chiếm 92%) trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Sở TN-MT cũng đã đưa vào vận hành 30 phần mềm phục vụ công tác quản lý của ngành bao gồm: Phần mềm Quản lý Kho tư liệu TN-MT; Quản lý Tài nguyên nước; Quản lý Tài nguyên khoáng sản; Quản lý Môi trường; Cổng cơ sở dữ liệu TN-MT; Thanh tra, kiểm tra; Tư liệu đo đạc bản đồ; Quản lý thông tin đất đai (Vilis); ứng dụng Atlas tỉnh trên nền tảng Web, Android và iOS; Thu phí nước thải doanh nghiệp; Quản lý đất công; Hợp đồng thuê đất; Giám sát tài nguyên nước; xây dựng cơ sở dữ liệu GIS phục vụ công tác quản lý TN-MT...
Trong đó nổi bật nhất là ứng dụng hệ thống thông tin đất đai phục vụ cộng đồng thông qua Phân hệ sổ tay đất đai mobile iOS - Android (app iLand). Theo đó, sử dụng ứng dụng này người dân, DN, nhà quản lý sẽ có một cái nhìn tổng quát về quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và dễ dàng tìm kiếm nhanh các khu vực được quy hoạch sử dụng đất phù hợp với nhu cầu đầu tư để triển khai thực hiện dự án đầu tư. Ông Hiếu thông tin, hệ thống thông tin đất đai phục vụ cộng đồng thông qua Phân hệ sổ tay đất đai mobile iOS - Android (app iLand), chính thức hoạt động năm 2021 đến nay có 8.505 tài khoản miễn phí, 1.131 tài khoản quản lý nhà nước và 174 tài khoản trả phí; với 97.343 lượt truy cập miễn phí, 641.088 lượt truy cập phục vụ quản lý nhà nước và 4.921 lượt truy cập trả phí.
Đặc biệt, ứng dụng giải pháp “ký số bản đồ khổ lớn” phục vụ số hóa hồ sơ là một trong những giải pháp hiệu quả của ngành TN-MT trong quá trình CĐS. Từ tháng 8/2022, toàn bộ bản đồ khổ lớn không còn phải in ra như trước đây. Sau khi biên tập bản đồ trên máy tính, người biên tập xuất bản đồ sang định dạng PDF, lựa chọn khổ giấy theo quy định và thực hiện kết xuất. Như vậy, ký số bản đồ khổ lớn để tạo bản đồ số sử dụng thay bản đồ giấy trước đây mang đến nhiều lợi ích thiết thực như: tiết kiệm thời gian, chi phí, thuận tiện cho cá nhân, tổ chức khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Từ đó, góp phần nâng cao tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết dịch vụ công trực tuyến ngành TN-MT trên địa bàn tỉnh. Giải pháp này đã góp phần giúp chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 5 bậc, xếp vị trí thứ 4 các tỉnh, thành phố có chỉ số PCI cao nhất cả nước.
Ký số bản đồ khổ lớn là một trong những ứng dụng hiệu quả nhất của ngành TN-MT. |
4 không 1 có
Nhờ tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực TN-MT nên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong những năm gần đây tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn đạt kết quả cao. Cụ thể, chỉ số tiếp cận đất đai của Bà Rịa-Vũng Tàu tăng từ 6,85 điểm năm (năm 2020) lên 7,01 điểm (năm 2021). Đáng chú ý, năm 2022, chỉ số tiếp cận đất đai của Bà Rịa - Vũng Tàu tăng mạnh từ 7,01 điểm (năm 2021) lên 7,66 điểm giúp tỉnh vươn lên xếp vị trí thứ 4 trong nhóm các tỉnh, thành có chỉ số PCI cao nhất cả nước.
Ông Lê Anh Tú, Phó Giám đốc Sở TN-MT, cho biết, có được kết quả trên là nhờ thời gian qua Sở đã triển khai thực hiện có hiệu quả phương châm “4 không, 1 có”: làm việc không giấy; hội họp không tập trung; dịch vụ công không gặp mặt; thanh toán không dùng tiền mặt và có số hóa thông tin, dữ liệu.
Theo Sở TN-MT, Bà Rịa - Vũng Tàu hiện đang hướng đến mục tiêu nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về mức độ CĐS, phát triển đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính. Trong đó, lĩnh vực TN-MT được chọn là một trong những lĩnh vực đầu tiên có trong “mắt xích” của đô thị thông minh. Vì vậy, ngoài việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và UBND các cấp có liên quan thực hiện nhiệm vụ kế hoạch CĐS ngành TN-MT, Sở sẽ xây dựng bổ sung các cơ sở dữ liệu thành phần bao gồm: dữ liệu khí hậu, thuỷ văn, cơ sở dữ liệu quản lý các văn bản vi phạm pháp luật… của ngành TN-MT để chia sẻ thông tin, dữ liệu cho các cơ quan chức năng và kết nối dữ liệu với Trung tâm Điều hành giám sát thông minh của tỉnh.
Sở TN-MT tiếp tục công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp trên Trang thông tin điện tử và ứng dụng trên thiết bị di động; xây dựng các chính sách tài chính (phí sử dụng dịch vụ khi thanh toán trực tuyến, lệ phí thủ tục hành chính...) để khuyến khích người dân, DN sử dụng, cung cấp các dịch vụ số.
Bài, ảnh: QUANG VŨ