Bên trong những khu tái định cư - Kỳ cuối: Làm gì để có chỗ ở mới bằng hoặc tốt hơn chỗ ở cũ?

Chủ Nhật, 04/06/2023, 20:20 [GMT+7]
In bài này
.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

"Chỗ ở mới bằng hoặc tốt hơn chỗ ở cũ" - Đó là bài toán đặt ra từ thực tiễn, đồng thời cũng là đáp án cho việc giải tỏa ách tắc trong giải phóng mặt bằng của các dự án. Vì chỉ khi người dân hài lòng với chỗ ở tái định cư (TĐC), họ mới thuận lòng giao đất.

Khu TĐC xã Hòa Long (TP. Bà Rịa) đã được đo đạc, cắm mốc, phân lô.
Khu TĐC xã Hòa Long (TP. Bà Rịa) đã được đo đạc, cắm mốc, phân lô.

Chính sách phải sát thực tiễn

Để chủ trương TĐC đạt hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng chính sách về bồi thường, hỗ trợ TĐC phải gỡ bỏ được những nút thắt khó khăn, rào cản hiện nay. Theo ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN-MT, UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 17/2023/QĐ-UBND (có hiệu lực từ 8/5/2023) bãi bỏ Quyết định số 34/2015/QĐ-UBND (ban hành năm 2015) và Quyết định số 34/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh (ban hành từ năm 2017).

Khu TĐC phường Phú Mỹ giờ đã là khu đô thị mới khang trang, sạch đẹp, được quy hoạch bài bản... tạo điều kiện sống tốt hơn cho người dân có đất bị thu hồi.
Khu TĐC phường Phú Mỹ giờ đã là khu đô thị mới khang trang, sạch đẹp, được quy hoạch bài bản... tạo điều kiện sống tốt hơn cho người dân có đất bị thu hồi.

Đây là các quy định cũ về quy trình bồi thường, hỗ trợ TĐC do không còn phù hợp. Ông Hải phân tích, nguyên nhân bãi bỏ cả hai quyết định trên là do Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn không phân cấp cho UBND cấp tỉnh quy định cụ thể trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Phú (199 Nguyễn Văn Trỗi, phường Phước Nguyên) cho rằng chính sách bồi thường và hỗ trợ TĐC của tỉnh rất thỏa đáng, giúp gia đình bà có chỗ ở mới tốt hơn khu đất bị thu hồi.
Bà Nguyễn Thị Phú (199 Nguyễn Văn Trỗi, phường Phước Nguyên) cho rằng chính sách bồi thường và hỗ trợ TĐC của tỉnh rất thỏa đáng, giúp gia đình bà có chỗ ở mới tốt hơn khu đất bị thu hồi.

Trong khi đó, theo Sở Xây dựng muốn đảm bảo đời sống người dân hậu thu hồi (bao gồm cả chỗ ở, sinh hoạt, chuyển đổi sinh kế và tâm lý) phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng tốt. Khu TĐC phải bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật như giao thông, điện, hệ thống cấp, thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý môi trường; hạ tầng xã hội như trường học, dịch vụ y tế, nhà văn hóa, khu thể thao, chợ, khu thương mại - dịch vụ... Quan trọng hơn còn phải tính toán đến việc tạo sinh kế phù hợp với khả năng của người bị thu hồi đất.

Từ chính sách hỗ trợ TĐC, hàng ngàn hộ dân có đất bị thu hồi đã ổn định cuộc sống.
Từ chính sách hỗ trợ TĐC, hàng ngàn hộ dân có đất bị thu hồi đã ổn định cuộc sống.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngoài việc quy định lại giá đền bù hợp lý và khoa học hơn cũng đã bổ sung quy định về TĐC cho người bị thu hồi đất. Theo đó, nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên để đảm bảo quy định này được thực hiện, dự thảo cũng quy định công tác TĐC phải đi trước một bước.

Luật sư Nguyễn Cảnh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Nguyễn Cảnh (TP. Vũng Tàu) cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi cần đưa ra quy định: Khi ban hành quyết định thu hồi đất cần có sẵn phương án BTGPMB, TĐC. Từ đó giúp đồng bộ các khâu và tiến trình được trôi chảy. Đồng thời cũng tránh để xảy ra tình trạng thu hồi đất trước, sau đó mới lên phương án bồi thường, khiến quá trình thu hồi bị kéo dài.

Rà soát lại các dự án TĐC

Theo ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian tới, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ có rất nhiều dự án được thực hiện, đi kèm với đó là một số lượng rất lớn người dân cần phải TĐC. Và để xây dựng và bố trí TĐC đạt hiệu quả, các địa phương cần xem xét, rà soát lại địa điểm đã bố trí các khu TĐC, tránh tình trạng trong phạm vi địa bàn một xã, phường, thị trấn có nhiều khu TĐC nhỏ, lẻ, vừa tốn kém vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật vừa mất mỹ quan đô thị. Các dự án khu TĐC cần được tính toán cụ thể để có đủ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như: nhà ở, đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh và đồng bộ về hạ tầng xã hội như trường học, y tế... Khu TĐC phải bảo đảm nguyên tắc người dân đến chỗ ở mới phải bằng hoặc tốt hơn chỗ ở cũ.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Ông Tạ Quốc Trung, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, để thực hiện TĐC có hiệu quả, Sở Xây dựng đã đưa ra các nhóm giải pháp cơ bản gồm: Giải pháp về quy hoạch xây dựng, BTGPMB, bố trí TĐC và bố trí vốn.

Theo đó, về quy hoạch xây dựng, theo Sở Xây dựng, đầu tư xây dựng các khu TĐC phải gắn liền với việc chỉnh trang đô thị, địa điểm xây dựng các khu TĐC phải phù hợp với quy hoạch duyệt; phải quy định việc xây dựng nhà TĐC đúng theo mẫu kiến trúc được phê duyệt trên từng tuyến đường theo quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc. Đồng thời, tăng cường quản lý chặt chẽ đất đai, ngăn chặn việc lấn chiếm, xây dựng trái phép…

Ngoài thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật về đất đai, xây dựng và chính sách bồi thường, hỗ trợ, TĐC trong quá trình giải phóng mặt bằng nhằm kịp thời bàn giao mặt bằng để triển khai các dự án đảm bảo tiến độ thì các nhà đầu tư có trách nhiệm đáp ứng các khu TĐC phục vụ cho việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đối với chính dự án của nhà đầu tư đó…

Việc bố trí TĐC cũng cần xem xét, tính toán suất TĐC tối thiểu bằng tiền phù hợp với nơi dự kiến bố trí đất ở, nhà ở cho đối tượng được TĐC, tiếp tục thống kê hiện trạng nhà, đất thuộc các dự án đầu tư, đánh giá nhu cầu về nhà ở TĐC và nhà ở xã hội của các hộ dân bị ảnh hưởng trên địa bàn.

Ông Tạ Quốc Trung cho biết thêm, cùng với việc an cư thì đào tạo nghề cũng là nhiệm vụ rất quan trọng để người dân sau khi nhường đất triển khai các dự án sớm ổn định cuộc sống. Đặc biệt, đối với những người dân ngoài độ tuổi lao động, đối tượng ít có cơ hội tìm việc làm mới, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát, nắm lại số lượng, đồng thời nghiên cứu các ngành nghề, chính sách phù hợp để tổ chức đào tạo.

Theo Sở TN-MT để tạo quỹ đất sạch phục vụ thi công các dự án TĐC thì việc đưa vào quy hoạch các khu TĐC đảm bảo phù hợp với quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch tổng thể là rất cần thiết. Do vậy, hiện nay, Sở TN-MT đã tiến hành thẩm định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của 8 huyện, thị xã, thành phố và trình UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Theo số liệu báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố trong giai đoạn 2022 – 2025 và giai đoạn 2026 – 2030, trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai thực hiện 270 dự án với nhu cầu TĐC cho khoảng 21.252 suất. Cụ thể, giai đoạn năm 2022 – 2025 triển khai thực hiện 182 dự án với nhu cầu khoảng 15.146 suất TĐC, trong đó hai thành phố có nhu cầu TĐC cao nhất. TP. Vũng Tàu triển khai thực hiện 49 dự án với nhu cầu khoảng 2.358 suất TĐC. TP. Bà Rịa triển khai thực hiện 38 dự án với nhu cầu khoảng 2.675 suất tái định cư. Giai đoạn 2026 − 2030 triển khai thực hiện 88 dự án với nhu cầu khoảng 6.106 suất TĐC.

 

 

;
.