Mức hấp thụ vốn của nền kinh tế có chiều hướng tăng

Chủ Nhật, 04/06/2023, 20:17 [GMT+7]
In bài này
.

Vốn luôn là yếu tố quan trọng với doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2023, nhu cầu đầu tư phục vụ sản xuất kinh doanh và  tiêu dùng giảm, giải ngân đầu tư công chậm kéo theo nhu cầu tín dụng phục vụ nền kinh tế và các DN giảm theo. Thực trạng này khiến cho hoạt động của ngành Ngân hàng cũng đối diện với nhiều sức ép. Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa- Vũng Tàu, ông Trần Thiên Trí,  Phó Giám đốc NHNN- chi nhánh tỉnh cho biết.

Ông Trần Thiên Trí, Phó Giám đốc NHNN- chi nhánh Bà Rịa- Vũng Tàu
Ông Trần Thiên Trí, Phó Giám đốc NHNN- chi nhánh Bà Rịa- Vũng Tàu

Bước sang năm 2023, lạm phát trong nước mặc dù tăng nhưng có xu hướng chậm lại, tăng trưởng kinh tế bộc lộ khó khăn chủ yếu do tác động từ cầu thế giới giảm mạnh. Thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, DN và người dân, NHNN đã điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,3-1,5%/năm trong tháng 3,4 và 5/2023.

* Phóng viên: Với các chính sách hỗ trợ tín dụng như trên, NHNN- chi nhánh Tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh triển khai như thế nào thưa ông?

- Ông Trần Thiên Trí: Truớc hết, NHNN-chi nhánh tỉnh khuyến khích các NHTM tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay; đồng thời giảm lãi suất tiền gửi. Với các biện pháp điều hành và chỉ đạo của NHNN, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần.  Lãi suất tiền gửi bình quân của các NHTM ở mức khoảng 6,19%/năm (giảm 0,29% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân ở mức khoảng 9,22%/năm (giảm 0,7%/năm so với cuối năm 2022).

Ngoài các giải pháp về lãi suất nêu trên, NHNN cũng đã chỉ đạo các NHTM tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 của CP và Thông tư 3/2022/TT-NHNN; Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

NHNN cũng định hướng các NHTM tập trung vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế. Thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng…

Khách hàng giao dịch tại BIDV, chi nhánh Bà Rịa.
Khách hàng giao dịch tại BIDV, chi nhánh Bà Rịa.

* Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về nhu cầu tín dụng hiện nay?

- Trong những tháng đầu năm, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế và các DN giảm do ba động lực tăng trưởng suy yếu (gồm cầu đầu tư phục vụ sản xuất kinh doanh, cầu tiêu dùng giảm và giải ngân đầu tư công chậm), hoạt động của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng đối diện với nhiều sức ép và thách thức. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc tìm các biện pháp khắc phục các khó khăn, tồn tại. Đến cuối tháng 4/2023, kinh tế của tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều có mức tăng trưởng cao hơn so với 3 tháng trước đó.

Đến cuối tháng 3/2023, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 156.033 tỷ đồng, tăng 2,15% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng của toàn Ngành ngân hàng là 2,61% và mức tăng 9,3% của quý I/2022). Tuy nhiên, đến cuối tháng 4/2023 dư nợ cho vay đã đạt 159.996 tỷ đồng, tăng 2,78%.

Điều này cho thấy, mức hấp thụ vốn tín dụng trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng tăng trưởng tốt (mỗi tháng bình quân tăng 1.000 tỷ đồng). Các NHTM luôn sẵn sàng hỗ trợ người dân, DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh có phương án kinh doanh hiệu quả, khả thi nếu đáp ứng đủ điều kiện vay vốn theo quy định nội bộ của từng đơn vị và các quy định của pháp luật.

* Bên cạnh một số DN chưa “mặn mà” vay vốn vì sản xuất kinh doanh khó khăn, còn có tình trạng DN phản ánh khó tiếp cận vốn hỗ trợ. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Như tôi đã nói ở trên, các NHTM luôn sẵn sàng hỗ trợ người dân, DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh có phương án kinh doanh hiệu quả, khả thi nếu đáp ứng đủ điều kiện vay vốn theo quy định nội bộ của từng đơn vị và các quy định của pháp luật. Bởi, trên thực tế, ngân hàng cũng là một DN, do đó khi vay vốn, DN phải chấp nhận sự giám sát về dòng tiền, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, quá trình tiêu thụ sản phẩm… Có như vậy, ngân hàng mới bảo toàn được nguồn vốn.

Do đó, ở chiều ngược lại, các DN cần tăng cường năng lực quản trị điều hành, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh hiệu quả, minh bạch tài chính; cung cấp đầy đủ tài liệu để các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, xem xét cho vay. Song song đó, thường xuyên cập nhật thông tin và mở rộng quan hệ với nhiều tổ chức tín dụng khác nhau để lựa chọn đơn vị có mức lãi suất và điều kiện vay vốn phù hợp với tình hình hoạt động và nhu cầu của DN mình.

Việc các tổ chức tín dụng và DN cùng thống nhất, tuân thủ pháp luật, minh bạch trong hoạt động và tài chính sẽ giúp hai bên tìm được đến nhau, giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Trong thời gian tới, NHNN- chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các NHTM đồng hành cùng DN, hỗ trợ tối đa DN đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững. NHNN tiếp tục phối hợp với các Tổ chức, Hiệp hội trong việc nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận vốn của các DN trên địa bàn.

* Xin cảm ơn ông!

PHAN HÀ (Thực hiện)

;
.