Đầu tư công nghệ cao vào quá trình khai thác thủy hải sản đang là xu hướng mà nhiều chủ tàu cá đang thực hiện để nâng cao doanh thu, lợi nhuận.
Hầu hết các tàu đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đều đầu tư máy móc hiện đại, công nghệ cao. Trong ảnh: Tàu cá của ông Châu Văn Nhỏ (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền). |
Lợi nhuận tăng 2-3 lần
Nhận thấy ngư trường ngày càng cạn kiệt, bên cạnh các loại ra đa, máy định vị, ông Nguyễn Minh Hùng (khu phố Hải Điền, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) đã đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng mua máy tầm ngư dạng chụp, có thể chụp hình ảnh vùng biển, luồng cá trong vòng bán kính hơn 1km. “Từ khi có máy tầm ngư này, hiệu quả đánh bắt của tàu cá tăng lên rõ rệt, gấp 2 thậm chí có hôm gấp 3 lần tàu cá gắn máy quét tầm ngư bình thường”, ông Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, đây chưa phải là máy tầm ngư tốt nhất, có tàu đầu tư cả máy tầm ngư “siêu chụp” với bán kính từ 3-5km. Tuy nhiên, chi phí đầu tư tới 5-7 tỷ đồng nên ông chưa tích cóp đủ để mua máy.
Tương tự, để nâng cao hiệu quả đánh bắt, ông Lê Phước Châu (phường 3, TP.Vũng Tàu) đã đầu tư hơn 200 triệu đồng mua ra đa cùng các loại máy: định vị, định dạng, giám sát hành trình, thông tin tầm xa, sóng ngắn, nhắn tin... cho tàu cá. Ngoài ra, do đặc thù câu cá ngừ đại dương xuất khẩu qua Nhật nên ông Châu đã đầu tư hầm lạnh composite, chạy lạnh 24/24 giờ trong suốt chuyến đi biển khoảng 25 ngày để giữ cá tươi ngon theo yêu cầu của đối tác.
Tàu cá của ông Trần Ngọc Phương (xã Phước tỉnh, huyện Long Điền) trang bị đầy đủ: ra đa, máy định vị, giám sát hành trình, tầm ngư và hầm bảo quản lạnh composite trị giá gần 400 triệu đồng. |
Đầu tư công nghệ cao cho tàu cá
Theo Sở KH-CN, hoạt động ứng dụng tiến bộ KH-CN trong khai thác thủy hải sản đang diễn biến tích cực khi số lượng tàu thuyền ứng dụng ngày càng tăng. Các loại máy được sử dụng như: máy định vị, thiết bị thông tin, liên lạc (5.506 tàu), máy đo độ sâu (5.506 tàu), máy dò đàn cá (3.626 tàu); 338 tàu trang bị máy đo độ sâu, máy dò cá (tầm ngư) kết hợp hệ thống đèn màu, đèn ngầm, đèn LED dẫn dụ cá; 820 tàu trang bị cơ giới hóa (máy tời thu lưới).
Hiện nay, công nghệ bảo quản sản phẩm khai thác cũng đang được các chủ tàu cá chú ý đầu tư. Các tàu đóng mới (vỏ sắt, composite) đều trang bị thiết bị cấp đông (-180C đến -700C), chất lượng sản phẩm được bảo quản khá tốt. Hiện có khoảng 60% số tàu đánh bắt xa bờ trong tỉnh được đầu tư ứng dụng công nghệ hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu inox và polyurethane (PU), nhất là các tàu cá hậu cần, mang lại hiệu quả tốt. Tuy nhiên, còn đến 40% số tàu chưa đầu tư cải tạo do hạn chế vốn đầu tư. |
Nhiều tàu đánh bắt xa bờ trang bị hầm bảo quản hải sản vật liệu PU (theo công nghệ lạnh thấm, lạnh nhanh), sử dụng công nghệ đá sệt làm từ nước biển để bảo quản. Đến nay, đã có 297 tàu cá có trang bị máy lọc nước biển thành nước ngọt. Bên cạnh đó, trong 69 tàu đóng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, 60% được đóng bằng vật liệu mới (thép hay composite).
Các tàu cá hành nghề lưới rê, lưới vây phần lớn được cơ giới hóa hỗ trợ việc thu lưới, giảm bớt lao động thủ công nặng nhọc. Tổng cục Thủy sản đã chuyển giao ứng dụng các loại máy điện tử hàng hải cho nghề lưới vây, lưới rê khai thác xa bờ như: máy ra đa Furuno, Koden (tầm quét từ 32 đến 72 hải lý). Mô hình thực hiện có tác dụng tốt trong việc bảo đảm an toàn, tránh va chạm tai nạn giữa các tàu khi thời tiết xấu, cảnh báo tàu khác khi đi vào khu vực thả lưới và khả năng phát hiện các tàu lạ để kịp thời xử lý bảo vệ ngư trường và biển đảo của Tổ quốc.
Bài, ảnh: NGUYÊN MINH