Thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng (NH) đã nhập cuộc đua giảm lãi suất huy động. Đáng chú ý, mặc dù lãi suất tiền gửi giảm nhưng nguồn tiền vẫn “chảy mạnh” vào NH. Tiền gửi tiết kiệm được duy trì ổn định và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn huy động.
Khách hàng giao dịch tại HDbank, chi nhánh Vũng Tàu. |
Lãi suất huy động liên tục giảm sâu
Theo ghi nhận, hiện nay lãi suất tiền gửi của nhiều NH liên tục giảm so với những tháng trước đó. Trong ngày 22/5, một số NH tiếp tục giảm lãi suất huy động.
Chẳng hạn, tại DongA Bank, lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đồng loạt giảm 0,3-0,55 điểm % so với trước đó. Theo đó, với số tiền từ 1 tỷ trở lên, mức lãi suất niêm yết cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 6-8 tháng giảm từ 7,14% xuống còn 6,59%; kỳ hạn 9-11 tháng giảm từ 7,19% xuống còn 6,69%; lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm từ 7,24 xuống còn 6,94%; kỳ hạn 13 tháng giảm từ 7,84% xuống còn 7,34%; các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng giảm từ 7,54% xuống còn 7,14%.
DongA Bank là NH đầu tiên giảm lãi suất huy động 12 tháng xuống dưới mức 7%/năm. Trước đó, mức lãi suất thấp nhất ghi nhận tại kỳ hạn này là 7,2%/năm. ACB giảm 0,2 % lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên; đưa mức cao nhất mà NH này áp dụng về còn 7,5%/năm.
VietABank cũng giảm 0,2-0,3% tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Mức lãi suất huy động cao nhất mà NH này áp dụng đã giảm về còn 8,5%, dành cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. OCB giảm 0,1% tại kỳ hạn 6-15 tháng. Trong khi đó, Saigonbank giảm 0,2% lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, ngoại trừ kỳ hạn 13 tháng.
Trước đó, một loạt NH như: Kienlongbank, ABBank, NCB, MSB… với mức giảm từ 0,1-0,3%.
Về phía nhóm các NH TMCP nhà nước, đầu tháng 5, Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV cũng giảm 0,2-0,3% ở các kỳ hạn 1-5 tháng. Riêng Agribank còn giảm lãi suất kỳ hạn 12 tháng xuống còn 7%/năm, cũng là mức lãi suất thấp nhất hiện nay ở kỳ hạn này.
Khảo sát tại nhiều NH cho thấy, phần lớn đã giảm lãi suất huy động 12 tháng xuống dưới mức 8%/năm. Trong khi đó, vào hồi đầu năm 2023, ngoại trừ nhóm NH TMCP nhà nước, hầu hết NH tư nhân đều niêm yết lãi suất từ 9%/năm trở lên cho kỳ hạn 12 tháng, thậm chí xấp xỉ 10% tại một số NH tư nhân nhỏ.
Như vậy, trong khoảng 4 tháng vừa qua, lãi suất huy động 12 tháng tại các NH đã giảm 1-2%.
Đáng chú ý, mặc dù lãi suất tiền gửi giảm nhưng nguồn tiền vẫn “chảy mạnh” vào NH. Ông Trần Thiên Trí, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, tính đến cuối tháng 4/2023, tổng nguồn huy động từ nền kinh tế đạt 174.600 tỷ đồng, tăng 2,87% so với cuối năm 2022 và tăng 0,92% so với tháng 3/2023.
Xem xét cơ chế cho vay linh hoạt
Trên thực tế, việc các NH liên tục giảm lãi suất huy động là điều kiện quan trọng cho việc giảm lãi suất cho vay. Thống kế từ NHNN cho biết, tính đến đầu tháng 4, đã có hơn 24 NH thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân với khoảng 0,4% năm. Bên cạnh đó, các NH còn triển khai nhiều gói vay ưu đãi để hỗ trợ người dân và DN.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các DN, dù lãi suất giảm nhưng để tiếp cận được vốn vay không dễ. Trong bảng tổng hợp ý kiến của các Hiệp hội gửi đến NHNN, các DN cho rằng, khó khăn phổ biến mà DN đang gặp phải, nhất là các DN nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn vay. Nhiều DN không được giải ngân, chuyển nhóm nợ xấu. Nguyên nhân là do NH vẫn buộc phải bảo đảm khả năng thanh toán, tài sản thế chấp…. Đây là một trong những điều kiện rất khó cho DN mà cần có sự linh hoạt để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về nguồn tài chính như hiện nay.
Riêng về ngành du lịch hiện nay ngành có 4 lĩnh vực chính: lữ hành; vận chuyển; lưu trú, nhà hàng; điểm tham quan. Vì vậy, việc hỗ trợ cho các DN kinh doanh ngành dịch vụ này vay vốn cần có những cơ chế đặc thù riêng, tuy Chính phủ đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất cho DN là chủ trương tốt để tiếp sức cho cộng đồng DN vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh nhưng điều kiện để được vay vốn không thể đặt ra yêu cầu chung với tất cả các DN được bởi thực tế hoạt động du lịch khác với các ngành nghề sản xuất khác. DN sản xuất có thể sinh lời ngay, nhưng du lịch cần có thời gian phục hồi và phát triển mới sinh lợi nhuận.
Do đó, các DN du lịch đề nghị cần có quy định, điều kiện vay vốn riêng cho ngành như: Ngành dịch vụ nhà hàng khách sạn, điểm đến các DN thuê đất để xây dựng hoạt động thì tài sản đảm bảo cho vay DN không có bất động sản, có thể thế chấp bằng bất động sản của cá nhân. Đồng thời, xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng với từng DN du lịch, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả của các DN du lịch.
Cùng với đó là cách hợp tác, kết nối khác trong thanh toán, giao dịch du lịch, liên kết thực hiện các chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng du lịch giữa các NH thương mại và DN du lịch như “Thẻ du lịch”.
Bài, ảnh: PHAN HÀ