Đó là thông điệp của dự án “Phân loại rác thải tại nguồn hướng đến nền kinh tế tuần hoàn” do Công ty TNHH Đại chúng Hóa dầu SCG (SCGC), Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) tổ chức. Sau 3 năm triển khai, dự án được bàn giao cho trường Tiểu học Long Sơn 1, Long Sơn 2 để tiếp tục duy trì và lan tỏa thói quen phân loại rác thải cho học sinh và người dân.
Đại diện Công ty LSP giới thiệu quy trình tuần hoàn khi sản xuất nhựa tái chế tại lễ bàn giao mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn hướng đến nền kinh tế tuần hoàn” cho trường Tiểu học Long Sơn 1 và trường Tiểu học Long Sơn 2. |
Hình thành thói quen tốt
Thay vì bỏ rác vào chung một thùng như trước đây, HS và GV Trường TH Long Sơn 2 đã có thói quen phân loại rác trước khi bỏ vào 3 thùng riêng biệt với 3 màu sắc khác nhau. Rau, củ, quả trong thức ăn thừa được bỏ vào thùng rác màu xanh (rác hữu cơ). Bìa các tông, giấy, báo, hộp nhựa, lon sắt bỏ vào thùng màu cam (rác tái chế). Các loại rác khác thì bỏ vào thùng màu vàng. Đó là thói quen tốt được hình thành từ khi dự án “Phân loại rác tại nguồn hướng đến nền kinh tế tuần hoàn” được triển khai tại trường.
Em Trần Kim Long-“đại sứ môi trường” (trường Tiểu học Long Sơn 1) chia sẻ: “Các ngày trong tuần em hướng dẫn cho các bạn trong trường thực hiện phân loại rác. Đến thứ Sáu, em thông báo cho các bạn gom rác có khả năng tái chế để đổi lấy quà tặng”.
Ông Noppon Summaprasit, Giám đốc chuẩn bị chạy thử Phân xưởng hạ nguồn của LSP cho biết, mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn” ở trường học là một hoạt động thuộc cam kết của SCGC trong khuôn khổ Hợp tác Công tư (PPC) mà SCGC đã cùng với Bộ TN-MT, Dow Việt Nam và Unilever Việt Nam ký kết nhằm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.
Dự án được triển khai thí điểm tại trường Tiểu học Long Sơn 1 và Long Sơn 2 từ năm 2020 nhằm giáo dục các em học sinh về phân loại rác thải và khuyến khích các em thực hiện phân loại rác ở trường cũng như ở nhà. Chương trình đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ từ gia đình và nhà trường để tạo nền tảng nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại cộng đồng.
Ngoài các nhiệm vụ phân loại rác, dự án cũng tổ chức được nhiều hoạt động hỗ trợ như cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “phân loại rác để bảo vệ hành tinh của chúng ta”, tổ chức chương trình đổi rác lấy quà…
Dự án “Phân loại rác tại nguồn hướng tới kinh tế tuần hoàn” tại Trường Tiểu học Long Sơn 1 và Trường Tiểu học Long Sơn 2 (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) được triển khai từ tháng 10/2020 đến tháng 5/2023 với 2.692 HS và 120 GV tham gia. Đã có 2.098kg rác tái chế được phân loại và thu gom, tái chế; trong đó 80% giấy, 15% nhựa, 5% kim loại. |
Rác thải vẫn có giá trị nếu biết sử dụng đúng cách
Sau 3 năm triển khai, dự án nhận được sự tham gia tích cực của gần 2.700 HS và 120 GV, những đối tượng tham gia tập huấn và phân loại rác thải phát sinh tại trường học và tại gia đình. Trong suốt thời gian diễn ra dự án, hơn 2.000kg rác tái chế đã được thu gom và bán cho các cửa hàng ve chai tại Long Sơn thông qua chương trình đổi rác tái chế lấy quà với tên gọi Green Day.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường TH Long Sơn 2, phân loại rác tại nguồn là một chủ trương đúng đắn góp phần tiết kiệm tài nguyên, mang lại lợi ích từ việc tận dụng phế liệu tái chế thực hiện vòng kinh tế tuần hoàn, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. “Sau khi nhận bàn giao mô hình phân loại rác tại nguồn, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và thực hiện hoạt động này. Chúng tôi sẽ rèn luyện để mỗi học sinh của trường là một tuyên truyền viên và thực hành viên của mỗi gia đình, góp phần cho việc phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả cao nhất”, cô Hằng nói.
Việc phân loại rác đúng cách tại nguồn là một phần trong việc hỗ trợ thực hiện mô hình nền kinh tế tuần hoàn “sản xuất-sử dụng-thu hồi”, không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường mà còn tiết kiệm tài nguyên, tăng cường tái chế và bảo vệ môi trường. Ông Noppon Summaprasit cho rằng: “Bàn giao mô hình phân loại rác tại nguồn không phải là sự kết thúc của dự án mà là một bước tiến quan trọng trong việc thực hiện phân loại rác bền vững tại 2 trường. Số tiền từ việc bán rác tái chế cho các cửa hàng ve chai ở Long Sơn đã được chuyển đến nhà trường như một nguồn quỹ nhằm duy trì việc phân loại rác tại trường học. Đây là minh họa thực tế rằng rác thải vẫn có giá trị nếu chúng ta phân loại đúng cách”.
Bài, ảnh: MINH TÂM