Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Mở không gian phát triển, huy động tối đa nguồn lực

Thứ Hai, 29/05/2023, 18:50 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 29/5, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh họp cho ý kiến về Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Hướng tới phát triển năng động và bền vững

Báo cáo tóm tắt tờ trình của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về việc thông qua Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện phương châm phát triển “Đột phá - Năng động - Sáng tạo - Bền vững”. Trên cơ sở đó, xây dựng tỉnh phát triển toàn diện, trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng, là cửa ngõ hướng ra biển của vùng Đông Nam Bộ và của quốc gia.

Tỉnh sẽ hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao để thu hút đầu tư. Trong ảnh: Công ty Sanso tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3.
Tỉnh sẽ hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao để thu hút đầu tư. Trong ảnh: Công ty Sanso tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3.

Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, tỉnh sẽ bố trí không gian phát triển theo 4 vùng chức năng gồm công nghiệp - cảng biển; du lịch, nông nghiệp và vùng biển - hải đảo. Duy trì sự phát triển năng động và bền vững, trên cơ sở bảo đảm các yếu tố then chốt “hạ tầng tốt, môi trường tốt, nhân lực tốt”. 

Tỉnh cũng sẽ hình thành ba trục động lực phát triển gồm: Trục động lực dọc sông Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và QL51; Trục động lực dọc đường cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu và đường vành đai 4; Trục động lực dọc đường ĐT994 và đường trục kết nối cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin thêm, theo quy hoạch, tỉnh sẽ có 4 đột phá phát triển. Thứ nhất là hoàn thành các tuyến giao thông kết nối tỉnh với vùng Đông Nam Bộ, thúc đẩy liên kết vùng, kết nối thuận lợi tỉnh với vùng, cả nước và quốc tế để Bà Rịa-Vũng Tàu thực sự trở thành cửa ngõ của vùng và của quốc gia.

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 xác định Bà Rịa-Vũng Tàu là cửa ngõ hướng ra biển của vùng Đông Nam Bộ và của quốc gia. Trong ảnh: Tàu cập Cảng TCIT. Ảnh: PHẠM PHƯƠNG
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 xác định Bà Rịa-Vũng Tàu là cửa ngõ hướng ra biển của vùng Đông Nam Bộ và của quốc gia. Trong ảnh: Tàu cập Cảng TCIT. Ảnh: PHẠM PHƯƠNG

Thứ hai, hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia, thành lập khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, thu hút nhà đầu tư chiến lược và thiết kế hệ sinh thái hoàn chỉnh, đồng bộ, áp dụng các chuẩn mực hàng đầu quốc tế.

Thứ ba, hình thành các đô thị du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng vượt trội. Định vị Bà Rịa-Vũng Tàu là trung tâm vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế.

Thứ tư, hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao để thu hút nhà đầu tư và nguồn nhân lực trong ngành sản xuất tiên tiến, sử dụng công nghệ hiện đại.

Sớm hoàn thiện quy hoạch trình Chính phủ

Cho ý kiến về dự thảo quy hoạch, ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, việc xây dựng quy hoạch phải dựa trên sự kế thừa và phát triển. Đồng thời đề xuất, Ban chỉ đạo Quy hoạch tỉnh làm rõ thêm các trụ cột phát triển kinh tế chuyển dịch sau giai đoạn 2025. Trong đó xác định rõ vai trò của ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao liệu còn phù hợp. Ông Thuận cũng nhấn mạnh, nội dung quy hoạch cần cụ thể hóa các đột phá trong từng giai đoạn, từ đó xác định nguồn lực để phát triển. 

Ông Lưu Tài Đoàn, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đề nghị, đối với quy hoạch tầm nhìn 2050, Ban chỉ đạo cũng cần xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. 

Bí Thư Thành ủy Vũng Tàu, ông Trần Đình Khoa đề xuất việc xem xét kinh phí đầu tư khi xác định quy hoạch phát triển du lịch và đô thị, khả năng thu hút nguồn lực đầu tư trong tương lai của từng lĩnh vực. 

Thảo luận và cho ý kiến về dự thảo, các đại biểu cho rằng tỉnh cần xác định rõ trụ cột kinh tế cụ thể qua từng giai đoạn. Đồng thời xem xét về việc định hướng kinh tế của từng địa phương sau khi sáp nhập địa giới hành chính theo quy hoạch chung.

Đối với việc xác định vùng quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao của 2 địa phương Đất Đỏ và Xuyên Mộc, các đại biểu cho rằng cần xem xét các yếu tố về quỹ đất và nguồn nước trong quá trình thực hiện. 

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh cho rằng, hồ sơ quy hoạch tỉnh đã được triển khai đầy đủ, chặt chẽ. Quy hoạch có tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định quốc gia, các ban, bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức và các tầng lớp nhân dân. Kế thừa đầy đủ và phát triển, làm sâu sắc thêm các quan điểm, chủ trương, định hướng chiến lược trong các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, quy hoạch có nghiên cứu, cập nhật, tuân thủ các định hướng phát triển của quốc gia, vùng Đông Nam Bộ.

Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ được xác định là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, có tác động lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, khơi thông các nguồn lực, mở ra không gian phát triển và động lực tăng trưởng trong dài hạn cho tỉnh. 

Do đó, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội nghị, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 13 vào ngày 31/5. Sau đó khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/6. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh theo dõi, bám sát, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong việc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh để kịp thời bổ sung, giải trình làm rõ khi có yêu cầu.

Ngay sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, cần tổ chức hội nghị triển khai, giao nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện, bảo đảm Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được triển khai nhanh chóng, kịp thời.

Để hoàn thành Quy hoạch tỉnh, Ban chỉ đạo Quy hoạch tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương và các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước đã tổ chức gần 150 cuộc họp để trao đổi, thảo luận; 5 hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. Các sở, ngành chức năng và địa phương đã phối hợp tổ chức 34 hội thảo, hội nghị chuyên đề và tham gia 627 ý kiến bằng văn bản đóng góp cho Quy hoạch tỉnh. Ngoài ra, Quy hoạch tỉnh còn được lấy ý kiến của 21 bộ, cơ quan ngang bộ, 8/8 tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và địa phương liền kề. Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã tổ chức 6 hội nghị để xem xét, cho ý kiến đối với Quy hoạch tỉnh. 

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

 
;
.